Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

KỸ NĂNG SỐNG: HÃY LÀM KHI CÓ THỂ

HÃY LÀM KHI CÓ THỂ.

Posted Mon, 05/30/2011 - 17:12 by athu

Bạn có từng nghĩ rằng một ngày nào đó những người thương của bạn sẽ không còn sống bên bạn nữa không. Chúng ta không một ai có thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Thậm chí chúng ta cũng không thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào một giờ sắp tới đối với những người thân của chúng ta, hay thậm chí đối với bản thân mình.

Có thể bạn ta mới đến thăm ta ngày hôm qua, mà hôm nay ta được báo tin là người đó đã không còn sống trên cõi đời này nữa. Nhận được tin ấy mà lòng ta bồi hồi xúc động, và ta dường như không thể tin vào những gì mà tai mình vừa mới nghe thấy. Ta nói với người đến báo tin với ta rằng “ tôi mới nói chuyện với anh ấy ngày hôm qua mà ” , hay “ chị ấy mới đến thăm tôi và còn tặng quà cho tôi nữa mà ”. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Người bạn ấy của ta đã không còn sống trên cõi đời này nữa. Và có rất nhiều, rất nhiều trường hợp tương tự như thế. Người ta mới thấy đó nhưng giờ đây đã không còn nữa.

Khi chúng ta giao tiếp, cư xử với người xung quanh với ý thức rằng có thể ngày mai ta sẽ không có cơ hội nghe được giọng nói của người đó nữa. Có thể ngày mai ta sẽ không còn thấy được nụ cười tươi trên khuôn mặt người đó nữa. Thì tự nhiên ta sẽ trân quí sự có mặt của người đó, và ta sẽ không nỡ nói hay làm những gì có thể gây tổn thương cho người đó.

Người đó có thể là ba mẹ chúng ta. Người đó có thể là chồng hay là vợ của chúng ta. Và người đó cũng có thể là con cái chúng ta… Chúng ta sống với ý thức về sự vô thường, ngắn ngủi của một kiếp người càng sâu sắc, thì cách sống của chúng ta, cách hành xử của chúng ta cũng sâu sắc và yêu thương hơn.

Mỗi người trong chúng ta hay có khuynh hướng nghĩ rằng những người thương của chúng ta sẽ sống với chúng ta hoài, sẽ sống với chúng ta mãi. Chúng ta ít có khi nào nhớ rằng có thể chỉ sau một đêm thôi thì ta sẽ mãi mãi không còn gặp người ấy nữa. Ta muốn nói những lời xin lỗi của ta với người ấy, ta muốn nói lòng biết ơn của ta với người ấy hay ta muốn thể hiện tình thương của mình cho người ấy - nhưng đã trễ rồi. Người đó đã không thể nghe, và mãi mãi sẽ không thể nghe những gì ta muốn nói dù chỉ một lời.

Vì vậy bạn hãy vui lên đi, bạn hãy cười tươi lên đi khi bạn vẫn có ba, có mẹ còn sống bên bạn. Bạn hãy hạnh phúc lên đi khi những người thương của bạn vẫn còn đó cho bạn. Và bạn hãy can đảm để nói cho người thương của bạn những gì sâu kín nhất trong lòng của mình. Vì có thể bạn sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa nếu bạn không nói ra điều ấy. Và bạn hãy tha thứ cho tất cả những ai đã từng làm hại bạn, làm tổn thương bạn vì có thể ngày mai bạn cũng sẽ không còn có mặt trên cõi đời này nữa.

Điều mà tôi khám phá ra trong cuộc đời của mình cho đến tận bây giờ, điều mà làm cho tôi hạnh phúc đó là tình thương, sự tha thứ, bao dung. Có thể tôi thực tập yêu thương còn kém, có thể sự tha thứ, bao dung trong tôi còn kém nhưng đó là con đường mà tôi sẽ nguyện đi trên ấy mỗi ngày. Tôi tự nói với chính mình “hãy thương yêu khi có thể, hãy tha thứ, bao dung khi có thể, bởi vì chỉ một giây phút thôi thì những điều này sẽ trở thành không thể.”

Và điều mà làm cho tôi hạnh phúc nhất không có gì khác hơn sau khi bạn đọc những dòng chữ này, thì sự thương yêu, tha thứ, bao dung trong bạn được biểu hiện. Và bạn đến nói với Ba bạn, Mẹ bạn, và với những người thương của bạn rằng bạn yêu họ lắm. Rằng Ba Mẹ vẫn còn sống bên bạn là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời bạn. Rằng bạn sẽ không cần gì hơn những điều như vậy. Rồi nụ cười hạnh phúc sẽ nở trên môi của bạn và khi đó bạn cũng biết rằng nụ cười hạnh phúc ấy cũng đang nở trên môi của tôi.

CHỨC LINH MỤC

Đức Giáo Hoàng Bênêđitô: Linh mục là một ơn gọi, chứ không phải là một việc làm


Posted Thu, 04/07/2011 - 05:08 by athu
Chức linh mục không phải là một nghề bán thời gian, nhưng là một ơn gọi vĩnh viễn và đầy đủ thời gian, Đức Bênêđitô XVI nói.
Đức Giáo Hoàng đã khẳng định điều này vào ngày thứ Năm trong một buổi gặp mặt truyền thống với các linh mục của Giáo phận Roma được tổ chức hằng năm bắt đầu vào Mùa Chay, Đài Vatican tường thuật.


“Người ta không phải là linh mục cho một phần thời gian. Chúng ta là linh mục với toàn bộ tâm hồn, toàn bộ con tim của chúng ta” Ngài nói.


Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng:
- “Con người này ở với Đức Kitô và trở thành sứ giả của Đức Kitô, sống cho người khác là một sứ mạng thâm nhập vào con người chúng ta và càng phải thâm nhập hơn nữa vào toàn bộ con người chúng ta”.
Đức Thánh Cha đã đưa ra một đoạn Kinh Thánh sâu xa gợi hứng từ chương 20 của Sách Tông Đồ Công Vụ, trong đó, Thánh Phaolô nói với các trưởng lão của cộng đoàn Êphêsô.


Đức Giáo Hoàng đã tập trung vào ý nghĩa của sự phục vụ và vào sự trung thành mà nó phải làm sinh động của chức trưởng lão. Ngài lưu ý rằng, việc phục vụ đòi hỏi một sự khiêm nhượng mà nó không phải là một sự phô trương “khiêm tốn giả dối”, nhưng đúng hơn là yêu mến ý Chúa, là công bố mà không “tạo nên ý tưởng rằng Kitô giáo không phải là một món đồ bao la để nghiên cứu”.


Linh mục, trên thực tế, “không rao giảng một Kitô giáo theo đơn đặt hàng, theo sở thích của chính mình, rao giảng một Tin mừng theo quan niệm ưa thích của mình, theo quan niệm thần học của mình”, Đức Giáo Hoàng nói.
Ngài nói tiếp, “Linh mục không được tự miễn trừ rao giảng trọn vẹn ý Thiên Chúa. Cho dù ý đó khó chịu, cho dù những đề tài đó tự bản thân không làm hài lòng mình nhiều”.


SỰ TRỞ VỀ.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh chủ đề trở về, đặc biệt liên quan đến Mùa Chay, đặc biệt được hiểu như là một sự thay đổi tư tưởng và tâm hồn, với trọng điểm, không phải vào các sự vật của thế giới và cách chúng được hiện hữu, mà vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính thế giới nầy.
“Chúng ta đừng đánh mất lòng nhiệt thành, niềm vui được Thiên Chúa kêu gọi”, Ngài cổ vũ.
“Chúng ta hãy làm mới sự tươi trẻ tinh thần của chúng ta”, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô nói. Ngài động viên các linh mục giữ vững “niềm vui cùng đi với Đức Kitô cho đến cùng”, “tiếp tục đi đến cùng” luôn với lòng nhiệt thành được Đức Kitô mời gọi cho công việc phục vụ vĩ đại nầy.
Cũng thế, Ngài khuyên các linh mục “quan tâm đến đời sống thiêng liêng, đến sự hiện diện của chúng ta với Đức Kitô”.


Đức Giáo Hoàng xác quyết, “cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa không phải là việc lãng phí thì giờ”, hay là lấy mất đi việc chăm sóc các linh hồn, nhưng đúng hơn “là điều kiện để chúng ta thực sự tiếp xúc với Thiên Chúa và do đó, chúng ta trực tiếp nói về Thiên Chúa cho người khác”.


Mặc dù Giáo Hội đang đương đầu với những khó khăn, chúng ta đừng đánh mất hy vọng, Ngài nói.
Đức Giáo Hoàng tuyên bố “sự thật thì mạnh hơn sự dối trá; tình yêu thì mạnh hơn sự ghen ghét, Thiên Chúa thì mạnh hơn tất cả các lực lượng thù địch”.
“Và với niềm vui này”, Ngài nói thêm, “với niềm xác tín nội tâm nầy, chúng ta hãy bắt đầu [...] trong sự an ủi của Thiên Chúa và trong những cơn bách hại của thế giới”.


NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA LINH MỤC.
Trong lời chúc mừng của mình với Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Agustino Vallini, Tổng đại diện của Giáo phận Roma, đề cập đến 60 năm linh mục của Đức Giáo Hoàng sẽ được cử hành vào ngày 29 tháng sáu tới.
Đức Hồng Y nhấn mạnh đến các phẩm tính linh mục của Đức Bênêđitô XVI được hàng giáo sĩ đánh giá cao: “lòng trung thành vui tươi và khiêm tốn, không chút rạn nứt với Chúa Giêsu; hoàn toàn tự nguyện phục vụ Giáo Hội mà Đấng Quan Phòng đã kêu gọi mình, dưới gánh nặng ghê gớm của chức vụ Giáo Hoàng Tối Cao; lòng yêu mến Lời Chúa và yêu mến Phụng Vụ và niềm vui sống thời gian theo nhịp của năm Phụng vụ; việc rèn luyện trí tuệ và niềm đam mê đề xuất và bảo vệ sự tìm kiếm chân lý mà không thoả hiệp; hiền lành trong cách cư xử và sự cao thượng của con tim; sự thanh thản của tâm hồn hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa”.


Trong buổi tiếp kiến, Đức Giáo Hoàng cũng gặp một linh mục Pakistan, cha Shahzad Niamat, đại diện cho linh mục, tu sĩ và chủng sinh của Pakistan đang hiện diện tại Roma.
Cha Niamat sau đó tường thuật cho Fides rằng ngài “đã giải thích cho Đức Giáo Hoàng tình hình của các Kitô hữu ở Pakistan, nơi mà làm chứng cho đức tin đôi khi có thể đưa tới cái chết”. Ngài nói thêm: “Đức Thánh Cha rất quan tâm; Ngài bày tỏ tình liên đới với chúng tôi, sự nâng đỡ của Ngài và cam đoan luôn cầu nguyện cho chúng tôi”.


Vị linh mục nói: “Chúng tôi cũng đã cảm ơn Đức Thánh Cha về những lời tuyên bố của Ngài và những lời yêu cầu khẩn khoản mới đây dành cho Bộ trưởng Shabas Bhatti, cho chị Asia Bibi và cho luật báng bổ”. Ngài lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng “hy vọng rằng mọi sự sẽ thay đổi và tại Pakistan, một phẩm giá con người được hoàn toàn tôn trọng và tự do tôn giáo sẽ được thực thi”.


(nguyên bản: Benedict XVI: Priesthood is a vocation, not a jo

KHUYẾT ĐIỂM CỦA CHÚA GIÊSU

10 khuyết điểm của Chúa Giêsu

Posted Tue, 04/19/2011 - 17:58 by vdbinh



(Bài chia sẻ của Ðức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, sáng thứ Bảy, ngày 12-9-1998, tại nguyện đường Dòng Truyền Giáo Ðức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), Strasbourg, Pháp, trong cuộc họp mặt “Niềm Vui Sống Ðạo” của các bạn trẻ Công giáo Việt Nam sống tại Âu Châu, do Trung tâm Nguyễn Trường Tộ tổ chức).

10 khuyết điểm của Chúa Giêsu

1. Chúa Giêsu kém trí nhớ!

2. Chúa Giêsu không biết làm toán

3. Chúa Giêsu không sành luận lý

4. Chúa Giêsu không biết kinh tế tài chánh

5. Chúa Giêsu làm bạn với kẻ tội lỗi

6. Chúa Giêsu thích ăn uống, tiệc tùng

7. Chúa Giêsu không giữ luật Do thái

8. Chúa Giêsu như điên cuồng

9. Chúa Giêsu phiêu lưu

10. Chúa Giêsu có những lời giảng dạy xem ra mâu thuẫn.

***

1. Chúa Giêsu kém trí nhớ!

Lúc sắp trút hơi thở, Chúa Giêsu có cuộc đối thoại cuối cùng với hai người gian phi cùng bị treo trên thập giá cạnh ngài. Một trong hai người đó thốt lên lời nầy với Chúa Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Và Chúa nói với anh ấy: “Tôi bảo thật với anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23,42-43).

Chúa Giêsu không sưu tra lại lý lịch người đó để nhớ xem hắn gian ác đến mức độ nào, không cân nhắc tội nặng, nhẹ để châm chước hay tạm ra hình phạt thế nào đó cho thích đáng. Người gian phi kêu nài Ngài nhớ, thì Ngài “nhớ” một điều là thấy người ấy trước mắt, còn tất cả mọi điều gian ác trước đó Ngài đã quên hết, quên đến độ ngay hôm đó hứa ngay Nước Thiên đàng cho anh ta. Các thánh nói: tên này suốt đời ăn trộm, đến lúc chết nó ăn trộm nước thiên đàng luôn!

Trong Phúc Âm chúng ta gặp lại nhiều chứng tích về việc Chúa Giêsu kém trí nhớ như thế. Nhưng qua chuyện ngụ ngôn người cha nhân hậu, sự kiện đó rõ ràng. Thánh sử Luca kể rằng người con út trong hai con của cha già đã lấy hết phần gia tài của nó, để bỏ nhà ra đi sống đời phóng đảng, quên cha, quên anh. Ðến khi tiêu hết tiền, gặp năm đói, thì quay trở về nhà, xin khai thú tội lỗi mong cha già xét tình cha con mà tha thứ...

Người cha (là hình ảnh Chúa Giêsu), không kể đến tội cũ, chỉ trông ngóng chờ con; thấy con đằng xa, thì chạy ra đón. Con có thú tội, thì cũng không cố nghe để hạch hỏi tội cũ mà ra lệnh cho tôi tớ: lấy áo đẹp, giày tốt, nhẫn quý mang lại cho cậu, làm thịt con bê béo dọn tiệc vì con ta chết mà nay nó sống lại.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”. Bấy giờ người con thưa rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, con chẳng đáng gọi là con cha nữa...”. Nhưng người cha liền bảo người giúp việc rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay , xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con dê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!...” (Lc 15,20-23).

Chúng ta thấy ở đây trí nhớ của Chúa Giêsu dường như không còn làm việc nữa! Ngài quên vô điều kiện, quên tức khắc tất cả quá khứ không hay không tốt của ta, mỗi khi chúng ta quay trở về. Ngài chỉ nhớ mỗi người là con Cha Ngài, là em Ngài, nên khi ta quay lại gặp Ngài, thì tức khắc ta lại được mặc áo vinh hiển sự sống của Thiên Chúa.

2. Chúa Giêsu không biết làm toán

Trong dụ ngôn con chiên bị mất (x. Mt 18,12-14; Lc 15,4-7), chúng ta thấy lối cư xử của Chúa Giêsu tỏ ra không biết tính toán. Một kẻ có 100 con chiên ở giữa đồng trống mà mất một con, hẳn phải tính toán xem làm sao một con đi lạc lại hơn 99 con còn lại. Không những Chúa Giêsu cho rằng 1 con đi mất cũng bằng 99 con còn lại, mà còn đi xa hơn nữa: Ngài bỏ 99 con còn lại đấy để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Một mà hơn 99, hẳn Chúa Giêsu không biết làm toán!

Trong chương trình rao giảng của Ngài, không phải số lượng quần chúng đông đảo mà Chúa Giêsu tìm kiếm, nhưng là những con người; và Ngài đã không tiếc thì giờ để trao đổi với từng người, giảng dạy cho một người như chúng ta từng thấy trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samari trên bờ giếng Giacóp (x. Ga 4,1-42).

3. Chúa Giêsu không sành luận lý

Chúa Giêsu không những không cân nhắc tính toán trên số lượng, mà có lúc lời của Ngài đi ngược lại sự khôn ngoan bình thường của con người.

“Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì để đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc... (Lc 14,12-14).

Trong dụ ngôn về đồng bạc bị mất (x. Lc 15,8-10), người phụ nữ có 10 đồng, nhưng trong đêm lỡ đánh mất 1 đồng: “Bà thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho bằng được”. - Khi tìm được, thì bất chấp giờ giấc nghĩ ngơi ban đêm của hàng xóm, bạn bè, mời họ phải đến chung vui với mình.

Chúa Giêsu ví mình như người phụ nữ tìm đồng bạc bị mất trong đêm; không cần suy tính, luận lý là đủng đỉnh ngày mai sẽ tìm, dù sao thì cũng còn 9 đồng khác trong tay; nôn nóng đem nguồn vui của mình cho người chung quanh không ngại sự nghỉ ngơi trong đêm vắng. Chẳng qua vì Chúa là yêu thương, mà yêu thương của Thiên Chúa cao hơn lý luận con của người.

“Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10).

4. Chúa Giêsu không biết kinh tế tài chính

Chúa Giêsu đến để loan báo Nước Trời ở gần con người, gần cuộc sống của họ. Thế mà khi giới thiệu Nước Trời với các môn đệ và với người nghe Ngài nói, Ngài lấy dụ ngôn về Nước Trời như người chủ vườn nho thuê thợ làm cho mình trong một ngày (x. Mt 20,1-16). Người chủ từ tảng sáng đã mướn thợ làm; rồi đến giờ thứ 3, giờ thứ 6, giờ 11, mỗi giờ người ấy đều đi tìm mướn thêm thợ (giờ 11 trong lối nói của người Do Thái thời của Chúa Giêsu tức là buổi cận chiều tối rồi).

Chiều tối đó, ông chủ, là hình ảnh Chúa Giêsu, bảo người quản lý kêu thợ lại và trả cho mỗi người 1 quan tiền như nhau. Những kẻ làm nhiều giờ trong ngày bực tức vì thấy ông chủ nầy không biết gì về kinh tế, tài chính cả, hơn nữa còn bất chấp lối tính toán và sự công bình thông thường:

“Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là 1 quan tiền sao?... Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ghen tức? Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót...” (Mt 20,13-16).

5. Chúa Giêsu làm bạn với kẻ tội lỗi

Không phải trong xã hội của người Do Thái vào thời Chúa Giêsu còn tại thế, mà ngay giữa xã hội chúng ta, người ta khó lòng chấp nhận chuyện người “đàng hoàng” lại giao du với lớp người được đánh giá là không “đàng hoàng”.

Thời bấy giờ người đồng hương với Chúa Giêsu cho rằng hai giới đặc biệt không “đàng hoàng” là những quân thu thuế và người tội lỗi, đặc biệt là các người gái điếm. Người tội lỗi bấy giờ còn được xem là những kẻ không lành mạnh về cuộc sống thân xác, như người phung cùi, tàn tật... Những người Pharisiêu nhiều lần thắc mắc về thái độ sống của Chúa Giêsu và nhắc nhở với các môn đệ Chúa:

“Sao Thầy của các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” (Mt 9,11). “Ông nầy đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,2).

Theo các sách Phúc Âm ghi lại, thì không những Chúa Giêsu chỉ gặp gỡ, chào hỏi, hay bất đắc dĩ được mời ăn thì ngại lắm phải chiều người ta, mà thực sự Ngài tự tìm tới nhà người thu thuế, và kẻ tội lỗi, làm thân với họ và ăn ở với họ.

Ông Dakêu là người “đứng đầu những người thu thuế” (Lc 19,2); khi biết Chúa Giêsu đi qua thành phố Giêricô, ông ấy sợ không chen lấn nổi với đông đảo dân chúng, nên chạy ra đàng trước, trèo lên cây sung để xem Ngài, chẳng qua vì ông rất lùn. Chúa Giêsu đi qua, nhìn lên cây ấy thấy ông và nói ngay:

“Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5).

Người chung quanh xào xáo:

“Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ” (Lc 19,7).

Chúa Giêsu tự đến để gặp gỡ Dakêu và loan Tin Mừng:

“Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9).

Và chúng ta đều biết Chúa đã chọn 1 trong 12 vị Tông đồ của Ngài là Mathêu, trước đó có tên là Lêvi một người làm nghề thu thuế.

Và để giải thích thái độ ngược đời của mình, chính Chúa Giêsu đã nói rõ sứ mệnh của Ngài.

“Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 12-13).

6. Chúa Giêsu thích ăn uống, tiệc tùng

Phúc Âm cũng cho chúng ta thấy sự kiện mỗi lần đến nhà nào, gặp ai, đặc biệt là những người được xã hội xếp loại không “đàng hoàng”, Chúa Giêsu lại thường ăn uống. Ngài mở đầu sứ mạng rao giảng công khai bằng việc dự tiệc cưới Cana miền Galilê (x. Ga 2,1), kết thúc cuộc gặp gỡ chung với các tông đồ trước khi đi vào cuộc khổ nạn bằng bữa tiệc ở Giêrusalem gọi là tiệc ly (x. Mt 26,17 và tiếp theo).

Thế nhưng lịch sử nhiều tôn giáo và tâm thức nhiều nền văn hoá không phải đã cho chúng ta thấy rằng nói đến thần thánh, đạo đức, tôn giáo thì hẳn phải nói đến ăn chay cầu nguyện hay sao!

Luca thuật lại rằng, sau bữa tiệc lớn tại nhà Lêvi (tức Thánh Mathêu sau này) những người Pharisiêu và những người thông luật nói với Chúa Giêsu: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisiêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống” (Lc 6,33). Chúa Giêsu đã dùng những bữa ăn để cứu người tội lỗi như Mađalêna, Dakêu...

Cái mới của Chúa Giêsu làm cho người Pharisiêu và cả chúng ta khó hiểu đó là tất cả sứ điệp của Ngài, không còn phải là ăn chay hay ăn tiệc, nhưng tiên quyết là Yêu thương phát xuất từ tận đáy lòng mình. Như Thánh Augustinô sau này tóm tắt trong câu: “Hãy yêu rồi làm gì thì làm” (Ama et fac quod vis).

7. Chúa Giêsu không giữ luật Do Thái

Không những lui tới bạn bè, với kẻ tội lỗi, lại còn hay dự tiệc với họ, Chúa Giêsu không giữ luật lệ của cộng đồng người Do Thái đương thời. Ngài bất chấp luật phải rửa tay trước bữa ăn, đi thẳng vào bàn tiệc nên “ông Pharisiêu lấy làm lạ vì lúc đầu Ngài không rửa tay trước bữa ăn” (Lc 11,38). Ðặc biệt trong những ngày sabát, Ngài hay chữa lành bệnh tật cho người ta, và điều đó đối với người Do Thái đương thời cho là phạm luật. Phúc âm ghi lại nhiều sự kiện như thế, như việc chữa lành người bại tay (x. Lc 6,8-11), chữa người mắc bệnh phù thủng (x. Lc 14,1-6), chữa lành một phụ nữ còng lưng (x. Lc 13, 14)... Thánh sử Luca ghi rõ: “Ông trưởng hội đường tức tối vì Ðức Giêsu đã chữa lành bệnh vào ngày sabát (x. Lc 13,14). Ngài không giữ luật, và các môn đệ theo Ngài cũng không giữ luật:

“Vào ngày sabát, Ðức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ đưa tay bứt lúa ăn. Nhưng có mấy người Pharisiêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát” (Lc 6,1-2).

Nhưng trước những lời chỉ trích này, Chúa Giêsu trả lời: “Con người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,9). Chúa Giêsu đến để làm trọn lề luật, để ban luật mới là luật yêu thương, là luật có chiều kích nội tâm, để xoá bỏ những lối giải thích lề luật rắc rối bên ngoài: “Khốn cho các ngươi giả hình, như má tô vôi, bên ngoài trắng trẻo mà bên trong thối tha” (Mt 23,13-36).

8. Chúa Giêsu như điên cuồng

Trong Toà Tổng trấn Philatô, lúc chịu xử án, Chúa Giêsu bị lính của Tổng trấn cho choàng áo đỏ, đội vương niệm bằng gai để chế nhạo như là kẻ điên cuồng. Nhưng không phải chỉ người ngoài, mà ngay cả Phêrô, người vừa được Chúa Giêsu cử sẽ làm đầu Hội thánh Ngài: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi...” (Mt 16,18), người được Chúa tin yêu như thế cũng không chịu nổi những lời nói như điên dại của Chúa Giêsu: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Ðiên dại vì gọi môn đệ theo mình, đồng thời thông báo mình phải chịu khổ đau, bị giết chết; và xem ra điên dại hơn nữa khi bảo rằng chết sau ba ngày sẽ sống lại! Và suốt cả các cuốn Phúc Âm trang nào cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên về thái độ và lời nói khác lạ của Ngài:

“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại... (Lc 6,27-31).

Nói như thế, làm sao có thể nghe cho được, khi tâm tư ta còn sống trong tâm trạng “măt đền mắt, răng đền răng!”

Và tôi xin kể cho các bạn kinh nghiệm của tôi về sứ điệp “điên dại” này của Chúa Giêsu. Lúc tôi sống những năm tháng tù đày tại quê nhà, có lúc những người canh tù tâm sự cho tôi hay, họ thắc mắc và ngạc nhiên về thái độ vui cười, thân thiện của tôi đối với họ: trong hoàn cảnh này làm sao có thể thanh thản và dung thứ như thế được! Tôi đã có dịp chia sẻ các kinh nghiệm đó trong cuốn sách “Năm chiếc bánh, và hai con cá”, tôi vừa cho phổ biến trong năm này. Nhưng ở đây tôi muốn nói, chính sự “điên dại” của tình yêu thương Thiên Chúa đối với tôi, đối với mọi người là “khuyết điểm” làm tôi say mê hơn cả; sự điên dại đó lôi kéo tôi bước theo Chúa Giêsu!

9. Chúa Giêsu phiêu lưu

Một chương trình cứu chuộc toàn nhân loại, một dự tính gửi người đi rao truyền Phúc Âm cho mọi dân nước, mọi thế hệ, thế mà lại chọn và đặt hết tín nhiệm, quyền hành cho Phêrô, một người chài lưới bộp chộp, ít học rồi còn sợ sệt chối mình nữa!

Và về phương cách truyền bá, rao giảng nước Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9,3).

Phiêu lưu trong việc tuyển lựa các môn đệ, Chúa Giêsu còn bị ngay các môn đệ Ngài nghi ngờ là quá phiêu lưu. Khi Chúa Giêsu loan báo chương trình Ngài sẽ bị bắt nạp, bị giết chết và sẽ sống lại trong ngày thứ ba, thì “Các môn đệ buồn phiền lắm” (Mt 17,23). Khi Chúa nói với họ: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53), thì “nhiều môn đệ của Ngài liền nói: “Lời này chướng ta quá! Ai mà nghe nổi” (Ga 6,60). Và, vì thấy lời giảng dạy của Chúa Giêsu khó nghe và phiêu lưu quá, nhiều môn đệ rút lui. Nên Chúa quay hỏi nhóm 12 Tông đồ: “Cả anh em nữa, anh em cũng bỏ đi sao?” (Ga 6,67).

Có lần khác, có người lại muốn đi theo Ngài làm môn đệ, nên hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58).

Và cuộc phiêu lưu tột đỉnh của Yêu thương nơi Chúa Giêsu được diễn tả cô động nơi bài ca trong thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philipphê:

“Ðức Giêsu Kitô

Vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân phận nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

10. Chúa Giêsu có những lời giảng dạy xem ra mâu thuẫn

Mâu thuẫn vì Lời từ Thiên Chúa khác với lời chúng ta.

Làm sao chúng ta thấy hợp lý được khi tuyên dương phúc cho kẻ nghèo, kẻ phải đói, kẻ phải khóc, kẻ bị người ta oán ghét (x. Lc 6,20-22).

“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì phải mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24).

Làm sao có thể ví Nước Thiên Chúa, Nước của Ðấng toàn năng, vô tận với một hạt cải (x. Lc 13,18-19).

Mà làm sao có thể tuyên xưng là “Con Thiên Chúa, Ðấng hằng sống” lại phải chấp nhận sự chết và chết nhục nhằn trên Thập giá (x. Lc 23,70).

Ngày 12-10-1998, có một cuộc tĩnh tâm linh mục quốc tế, tại thành phố Monterrey, nước Mexico: 91 giám mục, 1.500 linh mục tham dự. Lúc tôi vừa nói: Tôi yêu các khuyết điểm của Chúa Giêsu, các ngài nhìn nhau với vẽ ngạc nhiên, bỡ ngỡ! Nhưng nói đến đâu các ngài lại cười đến đó, cuối bài các ngài xúm lại quanh tôi và bảo: “Chúng tôi cũng yêu các khuyết điểm của Chúa Giêsu”.

***

Các bạn thân mến,

Bây giờ, sau khi chúng ta cùng nhau lược qua 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu, 10 khuyết điểm ghi lại nơi các bản Phúc Âm, tôi lại một lần nữa xác quyết với các bạn rằng: vì tôi yêu 10 khuyết điểm này của Chúa Giêsu, nên chọn Chúa Giêsu làm Thầy, làm Mẫu-mực tuyệt đối cho đời tôi. Tôi cũng tâm sự với các bạn rằng, cho đến giây phút này, tôi không hề có một chút gì ân hận, Chúa Giêsu đã cuốn hút cuộc đời của tôi. Vì Chúa là Tình Yêu đã dẫn lối cho tôi đi, đặc biệt trong những ngày tháng tôi cảm thấy xao xuyến, bứt rứt; chúng đã đem lại nguồn vui và hy vọng cho tôi, nhất là trong những giây phút khổ đau, tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi. Các bạn biết lý do tại sao không? Vì 10 khuyết điểm đó phát xuất từ Tình yêu thương mà Thiên Chúa là cha chúng ta ban cho để chúng ta được sống nhờ Chúa Giêsu:

“Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).

Tình yêu đó không nhớ lỗi lầm, không tính toán, không xét nét, không vị kỷ, không phê phán, không câu chấp, không gò bó, không biên giới, không điều kiện; Tình yêu đó yêu điên cuồng đến độ phiêu lưu và hy sinh cả mạng sống mình; tình yêu đó khác với mẫu mực nhỏ hẹp của xã hội và của lối cân nhắc giới hạn của chúng ta. Chúa là Ðấng trọn lành, làm sao có khuyết điểm được, nhưng Chúa lại là tình yêu vô hạn, mầu nhiệm. Trí khôn loài người không hiểu nổi, không tin nổi, nên gọi là khuyết điểm! Khuyết điểm ấy lên đến cùng độ trên thánh giá. Cả 10 khuyết điểm cô đọng vào đó, khi người lính thách đố Chúa: "Nếu ông thật là con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi Thánh giá để chúng tôi tin" "Chúa Giêsu thinh lặng, lại còn cầu nguyện: “Xin Cha tha cho họ...”. Lạy Chúa, lúc ấy Chúa không chết thì làm sao chúng con được sống đời đời.

Tôi khích lệ các bạn chọn lựa cuộc sống làm chứng 10 khuyết điểm tuyệt vời đó của Chúa Giêsu.

Và để chấm dứt buổi chia sẻ này tôi xin kể cho các bạn một sự kiện trong cuộc đời của một danh nhân thế giới đã từng chọn Chúa Giêsu, chọn giáo huấn của Ngài, một giáo huấn mà ông ấy cho là kỳ lạ, mâu thuẫn “Kitô giáo kỳ lạ” (Le Christianisme est étrange, Pascal, Pensées, no 537). Danh nhân ấy là ông Blaise Pascal (1623-1662). Khi ông Pascal vừa qua đời vào tuổi 39, người giúp việc trong gia đình xin người chị của ông cho phép mở gấu áo ông mặc lần cuối để xem ông thu giấu cái gì trong ấy. Vì mỗi lần thay áo cho ông, chị giúp việc thấy ông luôn mở gấu áo cũ lấy một cái gì trong ấy rồi lại tự may vào gấu áo mới. Người chị của Pascal cũng như người giúp việc cắt gấu áo và thấy có một miếng giấy nhỏ, trên ấy ghi vỏn vẹn câu sau đây:

“Sự sống đời đời là hiểu biết và yêu mến Ðức Kitô và Ðấng đã sai Người... lửa, lửa, lửa; nước mắt, nước mắt, nước mắt của tình yêu”. Ðó là bí quyết của B. Pascal một văn hào, một triết gia, một nhà toán học.

ĐHY. P.X. Nguyễn Văn Thuận

LỜI CHÚA: ĐỨC MARIA ĐI THĂM BÀ ELISABETH (31.5.2011 thứ 3 tuần 6 Phục sinh)

Maria ở lại độ ba tháng (31.5.2011 – Đức Maria thăm viếng bà Êlisabeth)

Lời Chúa: Lc 1, 39-56

Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabeth. Bà Êlisabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Bấy giờ bà Maria nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.
Bà Maria ở lại với bà Êlisabeth độ ba tháng, rồi trở về nhà.


Suy niệm:

Từ Nadarét, Chị Maria đã phải đi 160 cây số để đến nhà ông bà Dacaria.
Ngày nay, người ta cho rằng nhà của ông bà tư tế này là ở En Kerem,
một ngôi làng nằm trên đồi, vây bọc bởi những cây ô liu và vườn nho,
cách Giêrusalem 6 cây số về hướng tây.
Cuộc hành trình vất vả, dài như cuộc hành hương lên Đền Thánh.
Chị Maria không đi một mình, chắc Chị đi với một người bà con.
Hơn nữa, chị đi với Giêsu đang lớn lên trong lòng Chị.
Khi nghe sứ thần nói bà chị họ Êlisabeth già nua đang mang thai,
Maria thấy mình có bổn phận phải vội vã lên đường.
Chị muốn đem đến cho bà Êlisabeth sự hiện diện của Chị.
Một sự hiện diện khiêm tốn và lịch sự.
Chị đã mở lời chào khi vừa bước vào nhà ông bà tư tế Dacaria.
Chúng ta không rõ Maria đã chào như thế nào,
nhưng lời chào của Chị đã làm bật dậy nơi bà Êlisabeth
một chuỗi những âm vang mạnh mẽ và bất ngờ.
Tai vừa nghe lời chào của cô em Maria,
Êlisabeth thấy thai nhi trong lòng mình nhảy lên vì vui sướng (cc. 41, 44).
Lập tức bà được đầy tràn Thánh Thần.
Thánh Thần đã khiến bà nhận ra những mầu nhiệm lớn lao
đang diễn ra trong cuộc hạnh ngộ ở đây, vào giây phút này.
Êlisabeth lớn tiếng ca ngợi Maria là người phụ nữ diễm phúc nhất.
Maria có phúc vì được chọn làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu độ (c. 42),
và vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với mình (c. 45).
Ngỡ ngàng và ngây ngất trong hạnh phúc, Êlisabeth kêu lên :
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa của tôi đến với tôi thế này?” (c. 43).
Như thế mầu nhiệm ẩn kín nơi Chị Maria, bà Êlisabeth đã biết.
Ngược lại, khi thấy bà chị họ của mình mang thai,
Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần đã nói với mình.
Một sự hiện diện mang tính phục vụ.
Maria đã ở với bà Êlisabeth độ ba tháng để giúp bà trong lúc sinh nở.
Tất cả những việc trong nhà, hẳn chị Maria đã tận tâm chu tất.
Khi Chị nhận mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38),
khi bà Êlisabeth gọi Chị là Mẹ của Chúa tôi (c. 43),
thì Chị lại trở nên nữ tỳ phục vụ bà chị họ cao niên.
Sự hiện diện của Chị đem lại cho cả nhà niềm vui và hạnh phúc.
Giêsu vẫn lớn lên từng ngày trong Chị, và Chị cảm nhận điều đó.
Lời ca Magnificat chẳng phải chỉ được cất lên một lần.
Lời ngợi khen ấy thấm nhuần cuộc sống của Chị.
Mãi mãi Chị là nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa cúi xuống (c. 48).
Và Chị biết mình cũng phải cúi xuống để phục vụ tha nhân.
Mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta hằng ngày đều có tính linh thánh.
Trong niềm vui của Thánh Thần, ta vừa cho đi, vừa nhận lãnh,
vừa ngợi khen Chúa, vừa phục vụ con người.
Ước gì chúng ta thấy mình lớn lên nhờ dám mở ra để gặp gỡ.



Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

LẬP TRƯỜNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỀ SỰ SỐNG

Lập trường của Giáo Hội Công Giáo về Sự Sống



Theo Thông Điệp ''Evangelium Vitae'' (Tin Mừng Sự Sống, năm 1995) của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, phá thai là vi phạm Đạo Đức Y Khoa vì đó tội sát nhân, hủy diệt Sự Sống! Thai nhi là người ''vô tội, vô phương tự vệ''!

Đức Thánh Cha và nhiều Quốc Gia đều lên án nạn diệt chủng, việc bài Do Thái … Nhưng nhiều chính khách, bác sĩ, nhà trí thức ... khác lại ủng hộ việc phá thai vốn là tội giết người. ''Quyền giết người'' hằng loạt như thế mà được khuyến khích, được bảo vệ, lại còn được đem ra làm đề tài hấp dẫn cử tri. Rất nhiều người Mỹ Công Giáo đã không bỏ phiếu cho ông Kerry vì ông ta ủng hộ việc phá thai. Đó là một trong những lý do khiến ông thất cử như Đức Tổng Ngô Quang Kiệt đã nhận định trong bài giảng mới đây tại Tu Viện Châu Sơn.

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô phát biểu: ''Làm sao còn có thể bàn đến nhân phẩm khi mà mình lại giết những người yếu nhất và vô tội nhất ? Nhân danh công lý nào mà mình kỳ thị đến độ bất công đối với những con người như thế bằng cách tuyên bố rằng một số người này thì đáng được bảo vệ, còn những người kia thì bị từ chối quyền sống ?” (Evangelium Vitae, số 20)

Bác sĩ thường hỏi kỹ người mẹ muốn phá thai vài câu ... Ông ta và người mẹ ấy ''không hỏi được'' đứa bé trong bụng, nhưng vẫn thừa biết rằng ''cháu'' đang ung dung, tự tại nơi CUNG LÒNG của người cưu mang mình. Nếu mẹ của ông Philipp Rösler đã giết ''ông'' từ trong bụng của bà thì làm gì bây giờ nước Đức có Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Kinh Tế và Chủ Tịch Đảng FDP là người Việt da vàng, mũi tẹt! Có không ít người là con rơi, con ngoại hôn, con nuôi, con lượm mà vẫn lãnh đạo guồng máy của một Quốc Gia, làm tướng, nhà bác học hay tu sĩ! Trên thế gian này, thiếu gì những chính khách có ''lý lịch''' như thế!

Ở Đức, chỉ đưa tay chạm nhẹ người phạm lỗi gì đó thì liền bị người ấy mắng ngay: ''Không được đụng đến tôi!'' Còn Đức Giáo Hoàng đương kim lên tiếng chống phá thai, tức là ''đừng đụng đến nhân quyền của thai nhi'' thì nhiều chính khách ''bị ngài đụng'' bèn lên tiếng chỉ trích ngài!



Tôi đã đọc nhiều bài viết về ''nghĩa địa thai nhi'' ở Việt Nam, chẳng hạn:

- ''Nghĩa Trang Đồng Nhi ở Nha Trang'' do một nhóm người công giáo lập nên. Bài này có đoạn như sau: ''Theo một tài liệu của Bệnh Viện Đại Học Y Dược T.P HCM thì trong tám tháng đầu năm 2005, chỉ riêng bệnh viện này thôi đã giải quyết 6.055 ca. Có lẽ vì tình trạng nạo, phá thai ngày càng nhiều nên chuyện giải quyết các thai nhi một cách nhanh, gọn ở các trung tâm là: sau khi nạo, hút thai nhi, rồi bỏ vào bịch nilông, đem vứt bỏ vào đống rác.'' (Trích từ Trang Đất Việt – Phương Anh, phóng viên Đài RFA)

- ''Lặng người ở nghĩa trang hàng vạn thai nhi'' (ở Huế, có 42 ngàn thai nhi bị giết.)

- ''Những cuộc an táng rùng rợn lúc nửa đêm'', được đăng trên một số trang mạng, kể lại nghĩa cử của một giáo dân ở Nghĩa Thắng, Nghĩa Hưng, Nam Định, đã đi nhặt hay tình cờ vớt được thai nhi, có đoạn như vầy: ''Ông phục kích tại đây thì phát hiện một người đàn bà ném những túi đen xuống sông vào chiều tối. Người đàn bà này vốn là bác sĩ, đã về hưu, mở phòng sản tư, chuyên môn nạo hút thai. Mỗi ngày, bà gom hài nhi lại, rồi ném xuống sông Tiêu.''

Việc làm của bà bác sĩ không phải ''lương y như từ mẫu'' vừa nêu đã khiến tôi viết bài này, kèm bài thơ dưới đây. Tôi không được phép phê phán Ngành Y Khoa (Sản Khoa) nói chung, mà chỉ lên án những bác sĩ thất đức như bà kia. Tôi làm theo Lời Chúa dạy là THƯƠNG NGƯỜI, nhất là trẻ thơ vô tội mà Chúa Giêsu rất yêu mến như Ngài dạy: ''Ai muốn lên Nước Thiên Đàng thì hãy nên giống như trẻ con.''

LỜI CHÚA: LÀM CHỨNG VỀ THẦY (Thứ 2 tuần 6 Phục sinh)

Làm chứng về Thầy (30.5.2011 – Thứ hai Tuần 6 Phục sinh)




Lời Chúa: Ga 15,26 – 16,4a

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”


Suy niệm:

Chúng ta thường cầu xin Chúa Thánh Thần
trước một cuộc tĩnh tâm, một hội nghị hay một cuộc gặp gỡ tìm ý Chúa.
Thánh Thần cho ta ánh sáng để quyết định.
Nhưng Thánh Thần cũng là Đấng ban sức mạnh đỡ nâng,
nhất là lúc Giáo Hội gặp gian nan thử thách.
Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh của sự bách hại.
Các môn đệ sẽ bị ghét bỏ, bắt bớ (Ga 15, 18-20).
Hơn nữa, họ còn bị trục xuất khỏi hội đường và bị giết (Ga 16, 2).
Sau khi Đức Giêsu về trời, ai sẽ là người đứng ra bảo trợ họ?
Ai sẽ là người giúp họ can đảm để làm chứng cho Đấng phục sinh?
Đức Giêsu trả lời: chính Thánh Thần, Đấng mà Ngài sai đến từ nơi Cha.
Thánh Thần từ từ tỏ mình ra như một Đấng, một ngôi vị có thực,
đang hiện diện trong lòng từng Kitô hữu và trong cộng đoàn.
Thánh Thần là Đấng ở với anh em,
ở giữa anh em và ở trong anh em (Ga 14, 16-17).
Như thế Đức Giêsu thực sự chẳng lìa xa chúng ta.
Ngài vẫn hiện diện liên tục bên chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài sai đến.
Giáo Hội sơ khai đã có kinh nghiệm sâu xa về Đấng Bảo trợ này,
đặc biệt trong giai đoạn bị bách hại.
Stêphanô là người đầy Thánh Thần (Cv 6, 5).
Khi ông tranh luận với những người Do thái cứng lòng,
Thánh Thần đã ban cho ông lời lẽ khôn ngoan không ai địch nổi (Cv 6, 10).
Trong Thánh Thần, ông đã làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh,
Đấng đang đứng bên hữu Thiên Chúa (Cv 7, 55-56).
Chính lời chứng này đã đưa ông đến cái chết tử đạo đầu tiên.
Cái chết của Stêphanô nhắc ta nhớ lời hứa của Đức Giêsu.
Giờ bị thẩm tra là giờ thánh, giờ làm việc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi đứng trước các nhà lãnh đạo, Đức Giêsu khuyên ta đừng lo phải nói gì,
“vì trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết điều phải nói” (Lc 12,12),
đến nỗi “không phải chính anh em nói,
mà là Thần khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 20).
Cái chết của bất kỳ vị tử đạo nào cũng là một sự kết hợp diệu kỳ
giữa lời chứng bằng máu của họ với lời chứng của Thánh Thần ở trong họ.
“Người sẽ làm chứng về Thầy, anh em cũng làm chứng
vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27).
Chẳng bao giờ các Kitô hữu hết gặp khó khăn khi còn sống ở đời này,
hết phải làm chứng cho Đức Giêsu trước một thế giới thù nghịch.
Chẳng phải bách hại chỉ có dưới thời các vua triều Nguyễn.
Cuộc sống tiện nghi, dễ chịu thời nay cũng là một thứ bách hại nhẹ nhàng,
khiến nhiều Kitô hữu bị vướng vào và dễ dàng bước qua thập giá.
Xin Thánh Thần thêm sức cho ta khi ta phải lội ngược dòng.


Cầu nguyện:

Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu,
xin ban cho con
một thời để yêu và một thời để sống;
để con sống vì tình yêu Thiên Chúa,
để con yêu vì cuộc sống muôn loài.

Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý
và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa.
Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu,
và dám chết vì những điều mình ghét.

Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống
để mỗi giây phút sống
con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.
Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu
để từng giây phút yêu,
con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.

Cuối cùng,
xin cho con biết hòa nhập cả hai nên một:
để sống là yêu và yêu là sống,
vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

HỌC BỔNG XHH-YT: CHƯƠNG TRÌNH BẾ GIẢNG NĂM HỌC 2010- 2011




Hôm qua, 28.5.2011 tai Dòng Mến Thánh Giá Chợ quán, hơn 300 các bạn sinh viên XHH và Y tế đã tổ chức lế bế giảng năm học 2010-2011.


CHƯƠNG TRÌNH

7h Đón tiếp
7h30 Khai mạc
7h45 Khởi động
8h15 Sinh hoạt giữa các năm
9h15 Báo cáo hoạt động của từng năm trong một năm qua
9h45 Ra mắt ban đại diện từng năm và ban đại diện nhóm.
10h Chúc mừng ban đại diện mới
10h15 Giải lao
10h30 Thánh lễ
11h30 Nghi thức sai đi và lên đường của các sinh viên năm cuối
12h Nghi thức chia tay và trao quà kỷ niệm
12h30 Liên hoan văn nghệ và tiệc Butfe.
14h Cám ơn và chia tay.

LỜI CHÚA: ANH EM CŨNG SẼ SỐNG (Chúa nhật 6 Phục sinh)

ANH EM CŨNG SẼ SỐNG (29.5.2011 – Chúa nhật 6 Phục sinh)




Lời Chúa: Ga 14, 15-21

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người; còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”


Suy niệm:

Marina Picasso là cháu của họa sĩ nổi tiếng Pablo Picasso.
Từ năm 1973-1975, bà phải chịu nhiều cái tang lớn:
ông nội mất, anh ruột tự tử, cha đột ngột qua đời.
Ðây thật là những mất mát không sao bù đắp,
dù bà nắm trong tay một gia sản khổng lồ.
Năm 1990, bà nhận các em bé Việt Nam làm con nuôi,
và giúp cho các trẻ mồ côi được có nơi ăn học.
Từ lúc ấy, bà thấy một sự thay đổi nơi nội tâm:
“Nhờ giúp đỡ con em của nước này
mà tôi đã tìm lại được chính mình.
Giờ đây tôi cảm thấy mình như sống lại,
và tôi muốn phân phát sự sống đó cho các em.”
Hẳn có những Kitô hữu đã trải qua kinh nghiệm của Marina,
kinh nghiệm thấy mình được sống lại
nhờ biết ra khỏi nỗi đau của mình
để cúi xuống trên nỗi đau của người khác.
Kinh nghiệm tìm lại được chính mình trong bình an,
khi không còn bận tâm lo cho mình nữa,
kinh nghiệm thấy sự sống được nhân lên gấp bội
khi được đem chia sẻ tận tình.
Kitô giáo là tôn giáo của Ðấng đã sống lại,
Ðấng đang sống sự sống tràn trề của Thiên Chúa.
Ðức Giêsu phục sinh không chỉ hiện ra một đôi lần,
Ngài muốn ở mãi bên chúng ta cho đến tận thế.
Một sự hiện diện hai chiều, thâm sâu và mới mẻ:
“Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (c.20)
Một sự hiện diện đem lại sức sống dồi dào:
“Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống” (c.19).
Kitô hữu tự bản chất là người đã được phục sinh,
nhờ thông hiệp với Ðấng đang sống là Ðức Kitô.
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi,
mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Mùa Phục sinh nhắc ta nhìn lại sự sống nơi mình.
Lắm khi tôi sống èo uột, chỉ vì không dám yêu thương.
Bắt đầu yêu thương là bắt đầu thấy Chúa tỏ mình,
thấy sự sống Chúa bùng lên mạnh mẽ.
Thế giới hôm nay cố làm cho cuộc sống được bảo đảm hơn,
tiện nghi hơn và kéo dài hơn.
Nhưng thế giới hôm nay vẫn đầy nguy hiểm.
Mạng sống bi đe dọa bởi chiến tranh, tội ác, đói nghèo...
Cuộc sống bị héo úa vì không tìm thấy ý nghĩa.
Thế giới đói khát sự sống đích thực.
Nếu chúng ta thật sự là người đang sống trong Ðức Kitô,
chúng ta có thể trao cho thế giới sự sống đó
qua việc phục vụ trong yêu thương.


Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

LỜI CHÚA: THẾ GIAN GHÉT ANH EM (Thứ 7 tuần 5 Phục sinh)

Thế gian ghét anh em (28.5.2011 – Thứ bảy Tuần 5 Phục sinh)


Thế gian ghét anh em

Lời Chúa: Ga 15, 18-21

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”


Suy niệm:

Khi Đức Giêsu còn sống bên các môn đệ,
chưa xảy ra chuyện các môn đệ bị thù ghét một cách nghiêm trọng.
Nhưng khi Tin Mừng Gioan được viết gần xong, thì chuyện đó đã xảy ra rồi.
Các Kitô hữu gốc Do thái đã bị trục xuất ra khỏi hội đường,
và người Rôma đã bách hại các Kitô hữu không nương tay.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời tiên báo của Đức Giêsu
về số phận của các Kitô hữu, trong mọi thời đại.
Đức Giêsu đã nói đến việc mình tự nguyện hy sinh mạng sống,
vì Ngài là Mục tử nhân lành muốn bảo vệ đàn chiên (Ga 10, 11. 17-18).
Ngài sẽ phải chiến đấu gay gắt để chống lại sói dữ hay kẻ trộm.
Đức Giêsu cũng nói đến việc Ngài sẽ hy sinh mạng sống
cho bạn hữu của mình là các môn đệ (Ga 15, 12-13).
Ngài sẽ xung đột với tên Thủ lãnh thế gian (Ga 14, 30).
Thế gian là một thế lực thù ghét và âm mưu chống lại Ngài.
Một số nhà lãnh đạo Do thái giáo đã đứng hẳn về phía thế gian ấy.
Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là đỉnh điểm của sự thù ghét.
Thủ lãnh thế gian đã có được một chiến thắng tạm thời.
Nhưng chính sự thua cuộc của Đức Giêsu lại vén mở tình yêu Thiên Chúa,
và là khởi đầu cho một chiến thắng vẻ vang hơn, chiến thắng chính Tử thần.
Những môn đệ Đức Giêsu cũng phải chia sẻ số phận của Thầy.
Không phải các môn đệ luôn luôn được thế gian đón nhận.
“Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (c. 20).
“Nếu thế gian ghét anh em,
hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước khi nó ghét anh em” (c. 18).
Bị ghét bỏ, bị bắt bớ, bị giết hại: đó là thân phận của Thầy Giêsu,
và của những học trò đi theo Thầy, mãi đến tận thế.
Nếu thế gian có thái độ thù nghịch với các Kitô hữu,
lý do là vì họ không thuộc về thế gian, và đã được tách khỏi thế gian (c. 19).
Tuy nhiên, họ vẫn không bị cất khỏi thế gian (Ga 17, 15),
mà còn được sai vào trong thế gian để biến đổi thế gian đó (Ga 17, 18).
Chính cái thế giằng co thuộc về bản chất của người Kitô hữu:
vừa ở trong thế gian, lại vừa không thuộc về nó,
vừa được chọn ra khỏi thế gian, lại vừa được sai vào trong nó,
đã đưa người môn đệ vào những thách đố khôn lường.
Theo một nghiên cứu năm 2002 của nhà báo người Ý, ông Antonio Socci,
có khoảng 70 triệu người Kitô hữu chết vì đức tin trong 20 thế kỷ qua.
Nhưng chỉ riêng trong thế kỷ 20, đã có hơn 45 triệu người bị chết.
Chúng ta không kiểm chứng được nghiên cứu của ông này,
nhưng chúng ta biết cuộc bách hại các Kitô hữu vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Xin được ơn thuộc trọn về Giêsu dù phải lội ngược dòng với thế gian.


Cầu nguyện:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

TẠI SAO PHẢI SẠCH TỘI TRỌNG MỚI ĐƯỢC RƯỚC MÌNH MÁU CHÚA?

TẠI SAO PHẢI SẠCH TỘI TRỌNG MỚI ĐƯỢC RƯỚC MÌNH MÁU CHÚA?


Hỏi: Xin Cha giải thích thắc mắc sau đây:

Xưa Chúa Giêsu thường đến ăn uống với những người tội lỗi như bọn thu thuế. Trong Bữa Tiệc Ly cuối cùng, Chúa đã cho Phêrô và Giuđa "ăn và uống" Mình Máu Chúa như tất cả các Tông Đồ khác hiện diện.

Vậy tại sao bây giờ Giáo Hội dạy phải sạch tội trọng mới được rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô.?


Trả lời:

I- Trước hết, xin tự hỏi : tại sao Chúa Giêsu giao du với những người bị xã hội Do Thái coi là tội lỗi?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần đọc lại lời Chúa Giêsu nói với nhóm biệt phái xưa kia: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” ( Mt 9:12) Thật vậy, Chúa Kitô đến để tìm những người tội lỗi và kêu gọi họ ăn năn sám hối để được tha thứ và cứu rỗi. Do đó, Chúa tự ví mình như thầy thuốc đi tìm bệnh nhân để cứu chữa chứ không tìm người mạnh khoẻ để săn sóc.

Vì thế, Chúa đã không ngần ngại đến nhà những người thu thuế, tức những người bị bọn Biệt phái (Pharisi) coi là người tội lỗi để dùng bữa với họ. Chúa còn làm bạn với cả những người có đời sống tai tiếng như Mađalêna.Nhưng thử hỏi: Chúa đồng bàn với người bị coi là tội lỗi cũng như làm bạn với phụ nữ tai tiếng kia với mục đích gì? Có phải là để công nhận nếp sống tội lỗi của họ hay để kêu gọi họ từ bỏ đời sống đó để trở nên hoàn thiện?

Chắc chắn chúng ta phải tin rằng Chúa Giêsu không đồng bàn, hay giao du với những người bị xã hội lên án là kẻ tội lỗi để đồng hoá với họ hay tán thành cách sống của họ. Chúa đến với họ để mời gọi họ từ bỏ nếp sống tội lỗi để trở nên tốt lành như Chúa mong muốn mà thôi. Đây chính là mục đích của Chúa đến trần gian cách nay trên 2000 năm để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội như Chúa đã nói với các môn đệ xưa kia: “...Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (x Mt 20:28).

Tuy nhiên, trong suốt 3 năm rao giảng Tin mừng Cứu độ, Chúa Giêsu chưa một lần nào đã nói với ai rằng : “các con đừng lo nghĩ gì về đời sống của mình. Cứ sống và làm những gì mình thích rồi sau khi chết, Ta sẽ cho tất cả vào Thiên đàng để vui hưởng hạnh phúc muôn đời vì Thiên Chúa, Cha của các con là Đấng tốt lành, không muốn bắt lỗi ai về bất cứ điều gì.”

Ngược lại, ngay khi mở đầu cho sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng Cứu độ, Chúa Giêsu đã kêu gọi dân chúng thời đó như sau: “Thời kỳ đã mãn. Nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” ( x.Mc 1:15).

Sám hối và tin vào Tin Mừng có nghĩa là từ bỏ tội lỗi và sống theo đường lối của Thiên Chúa, đối nghịch hoàn toàn với đường lối của con người, của trần gian, của “văn hoá sự chết” đang lộng hành ở khắp nơi trên thế giới ngày nay… Vì thế, trong suốt thời gian rao giảng, Chúa Giêsu đã nhiều lần đưa ra những lời ngăm đe hay cảnh cáo nghiêm khắc như sau:

“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13:24).

Hay:

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lậy Chúa, Lậy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” (Mt 7:12)

Hoặc nghiêm khắc hơn nữa:

“Nếu chân của ngươi làm cớ cho ngươi sa ngã thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.” ( Mc 9:45)

Sở dĩ Chúa phải đưa ra những lời ngăm đe nghiêm khắc nói trên vì con người còn có tự do mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người xử dụng để hoặc chọn lựa sống theo đường lối của Thiên Chúa hay khước từ Người để sống theo ý riêng và làm những điều trái nghịch với lương tâm, với thánh ý của Cha trên Trời, là Đấng trọn tốt ,trọn lành.

Như thế đủ cho thấy là Chúa Giêsu không đến để thoả hiệp với sự dữ, với tội lỗi của trần gian, mặc dù Chúa có đến ăn uống hoặc giao du với những người bị mang tiếng là tội lỗi xấu xa như những người thu thuế và phụ nữ tai tiếng thời đó vì lý do như đã nói ở trên.

Liên quan đến hai Tông Đồ Phêrô và Giuđa , Chúa Giêsu cũng đã khoan dung cho họ cơ hội để thay đổi ý định hoặc lưu ý đến sự yếu đuối của mình. Trước hết, trong bữa ăn sau cùng , Chúa đã nói với tất cả 12 Tông Đồ hiện hiện : " Thầy bảo thật cho anh em , một người trong anh em sẽ nộp Thầy." ( Mt 26:18. Mc 14: 18; Lc 22: 21-22; Ga 17: 12). Chúa nói thế để đánh động Giuđa một lần cuối trước khi y ra tay hành động.Y biết điều này, nhưng vẫn trơ trẽn hỏi Chúa : " Rap-bi ( thưa Thầy) chẳng lẽ con sao,? ". Chúa trả lời : " chính anh nói đó." ( Mt 26: 25). Dầu vậy, Giuđa vẫn cứng lòng, nên ăn Mình Chúa xong, y đã ra đi vào đêm tối, tìm gặp bọn luật sĩ và tư tế Do Thái để trao nộp Chúa như Người đã nói trước đó trong Bữa Tiệc Ly. Như thế có nghĩa là Giuđa đã xử dụng ý muốn tự do ( free will) của mình để bán Chúa Giêsu lấy 30 đồng bạc của bọn giáo sĩ Do Thái thù ghét Chúa. Về phần Phêrô thì khác. Ông này quá tự tin nơi mình nên đã quả quyết : " Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." ( Mc 14: 31). Nhưng Phêrô đã vấp ngã không phải vì cố ý dùng tự do của mình để chối Chúa mà vì yếu đuối con người mà ông không để ý đến khi nghe Chúa cảnh cảo ông buổi ban chiều hôm đó : " Thầy bảo thật anh : hôm nay , nội đêm nay : gà chưa gáy hai lần thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần." ( Mc 14:30 ) Và sự việc đã xảy ra đúng như Chúa đã cảnh cáo Phêrô. Lúc đó Phêrô không tin và cũng không có ý định sẽ chối Thầy như Chúa đã tiên báo. Nhưng vì ông quá tự tin nên vấp ngã, chứ không phải vì cố tình ngoan cố cho đến phút chót như Giuđa. Như thế việc Chúa cho Giuđa và Phêrô "rước Lễ" tức ăn thịt và uống máu Chúa trong Bữa Tiệc Ly không có nghĩa là Chúa không biết đến sự phản bội của Giuđa và chối Chúa của Phêrô.Chúa biết nhưng vẫn tôn trọng ý muôn tự do để họ tự quyết định việc họ muốn làm ( Giuđa phản bội vì tham tiền ) ( Phêrô chối Chúa vì yếu đuối và sợ hãi bọn Do Thái).

II- Giáo lý của Giáo Hội về việc rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Nhưng không thể lý luận rằng Chúa Giêsu từng ăn uống với “những người tội lỗi”, từng cho Guiđa và Phêrô "ăn thịt và uống máu" Người trong bữa tiệc ly cuối cùng do đó không cần phải sạch tội trọng mới được rước Mình Máu Thánh Chúa như Giáo Hội dạy ngày nay..

Lý do trước hết như vừa nói ở trên: Chúa ăn uống với những người bị xã hội coi là "kẻ tội lỗi " không có nghĩa là Chúa chấp nhận hay tán đồng cách sống của họ mà thực ra Chúa đồng bàn với họ, vì Người muốn kêu gọi họ sám hối, thay đổi cách sống để được cứu rỗi.

Chúa vẫn rửa chân và cho Giuđa và Phêrô cũng như cho họ ăn thịt và uống máu Người trong Bữa ăn sau hết dù biết họ sẽ phản bội và chối Chúa vì Chúa đã kêu gọi Giuđa lần chót và cảnh cáo Phêrô, nhưng vì Giuđa cứng lòng nên đã cố tình phạm tội phản bội và tuyệt vọng đi treo cổ tự tử sau đó. Ngược lại, Phêrô chối Thầy vì yếu đuối con người, nhưng đã biết ăn năn thống hối sau đó nên được tha thứ và còn được trao cho trọng trách lãnh đạo Giáo Hội để "chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thầy".( Ga 21: 15-16)

Chắc chắn Chúa chê ghét tội lỗi nhưng lại yêu thương kẻ có tội biết hối lỗi và xin tha thứ.Tuy nhiên, tội vẫn luôn luôn là trở ngại lớn lao nhất để ngăn cách con người với Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành. Do đó, muốn gần Chúa, muốn là bạn hữu nghĩa thiết với Ngài thì điều kiện cần thiết là phải xa tránh mọi tội lỗi.

Liên quan đến việc rước Mình Máu Chúa Kitô khi tham dự Thánh lễ, Giáo Hội dạy rằng: “Ai muốn rước lấy Chúa Kitô trong hiệp lễ Tạ Ơn (Eucharistic communion) thì phải ở trong tình trạng có ân sủng. Ai biết mình có tội trọng thì không được làm lễ (nếu là linh mục) và bước tới Bàn Tiệc Thánh Thể để rước Mình Thánh Chúa, nếu trước đó đã không nhận được ơn tha tội qua bí tích hòa giải( xưng tội ).” (x SLGHCG, số 1415; giáo luật số 916). Sở dĩ thế vì cũng theo giáo lý của Giáo Hội, thì “tội trọng làm mất hoàn toàn sự hiệp thông (communion) giữa ta với Thiên Chúa và nếu chết không kịp ăn năn thống hối và được tha tội qua bí tích hoà giải thì phải chịu án phạt đời đời trong nơi gọi là hoả ngục.” (x. SGLGHCG, số 1033).

Đây là ác tính và hậu quả rất tai hại của tội trọng (mortal sin) vì tội này đẩy con người ra khỏi tình yêu và lòng khoan dung của Thiên Chúa do cố ý hành động nghịch với tình yêu và sự trọn lành của Người. Khi muốn rước Chúa Kitô vào lòng tức là muốn hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trong tình yêu và sự trọn hảo, tức là trở nên làm một với Người. Nhưng khi có tội trọng thì con người đã đối nghịch hoàn toàn với Thiên Chúa, xa lìa tình yêu và sự trọn lành của Người. Như vậy làm sao có sự hiệp thông được nữa?

Tóm lại, Chúa luôn giang tay chờ đón kẻ có tội trở về để tha thứ, mặc dù Ngài gớm ghét tội lỗi.Vậy muốn kết hiệp với Chúa qua bí tích Thánh Thể thì cần thiết phải sạch tội, nhất là tội trọng, vì khi phạm tội này, con người đã cố tình quay lưng lại với Thiên Chúa, cố ý từ khước Người để chọn sự dữ đối nghịch hoàn toàn với tình yêu và bản tính trọn hảo của Người.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

PHÉP THÔNG CÔNG (tt 2)

Trước hết, tôi xin cám ơn độc giả đã nhắc cho tôi xem lại khoản luật số 1398. Quả thật theo khoản luật này thì tôi đã lầm mà liệt kê tội phá thai vào loại phán kết. Tôi cũng đã xem lại đoạn nói về bảy vạ tuyệt thông đã kê khai trong bài. Khi xem lại tôi thấy những tội này đều thuộc loại tiền kết chứ không phải chỉ có bốn vạ đầu như tôi đã viết. Như vậy ai phạm những tội này thì đều bị vạ tuyệt thông tiền kết chứ cần không phải đợi tuyên án gì cả. Do đó những người ấy đã bị vạ tuyệt thông rồi, và vạ này chỉ Tòa Thánh mới có quyền tha (trừ vạ phá thá thai được ban quyền cho các giám mục rồi tiếp đến cho các cha giải tội, vì nạn phá thai quá lan tràn).


Ngoài ra trong phần phản hồi, có mấy độc giả cũng yêu cầu tôi nói rõ thêm về một vài điểm, Vậy, dưới đây tôi xin lần lượt trả lời theo thứ tự :


1. Độc giả số 2 đã được độc giả số 3 trả lời : “Bỏ đạo, rối đạo, ly khai khỏi Giáo Hội Rô-ma” là đương nhiên bị vạ tuyệt thông.


2. Độc giả số 4 hỏi về việc Giáo Hội sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II áp dụng vạ tuyệt thông thế nào ? Giáo Hội rút bớt các vạ, không còn dể nhiều như trước kia nữa. Ngoài những vạ tiền kết tức khắc bị phạt, còn những vạ khác vẫn phạt, khi không còn cách nào khác để làm cho người có lỗi sửa mình, nhưng với cung cách của nhà mục tử nhân lành chứ không phải với thái độ của vị quan tòa bất khoan nhượng.


Các linh mục không có quyền ra vạ thuyệt thông. Quyền này là của các giám mục trong các vạ thuộc thẩm quyền của các ngài, như phạt vạ “treo chén” (suspensus a divinis), và “cấm chỉ” (interdictum)v.v…


3. Phản hồi số 9


Vạ là để phạt những tội bên ngoài. Những người lỗi lời khấn dòng mắc tội nặng nhẹ tùy điều lỗi phạm, nhưng thường là tội bên trong, chỉ trừ khi lỗi lời khấn đức khiết tịnh bên ngoài, bằng cách hồi tục kết hôn trước khi được tháo giải lời khấn. Trong trường hợp này, người lỗi phạm bị vạ tuyệt thông.


Người mắc tội phá thai, khi đi xưng tội với lòng thành thật sám hối và quyết chí chừa bỏ, được tha cả tội lẫn vạ.


4. Phản hồi số 15


Năm 1954, Đức Cha Khuê phạt vạ “treo chén” các linh mục Hà nội di cư vào Nam, mà không có phép của ngài. Còn trường hợp các linh mục vượt biên, không biết có phép hay không, không thấy các đức cha trong Nam ngoài Bắc nói gì.


Kết luận


Hoàn cảnh chiến tranh lâu dài và thực trạng xã hội trong chế độ vô thần đã làm sai lạc ý thức về tội và các luật lệ trong Hội thánh. Nay thiết tưởng đã đến lúc các vị có thẩm quyền cần chấn chỉnh lại.


L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.

CỦNG CỐ ĐỨC TIN CHO GIỚI TRẺ

Củng Cố Đức Tin Cho Lớp Trẻ



Posted Sun, 03/13/2011 - 11:04 by athu

Tác giả Carol Cimino, SSJ, Tiến sĩ Giáo dục (*)

Người mẹ than: “Tôi không thể hiểu được! Tôi đã cho nó đi học trường Công giáo 12 năm mà thậm chí nó không thèm đi nhà thờ!”.
Nếu tôi có tiền mỗi lần người cha hoặc người mẹ nói những từ này (thay thế từ “giáo dục tôn giáo” cho từ “trường học Công giáo”) thì tôi sẽ thất nghiệp mà có lợi. Khi một số cha mẹ không thể chăm sóc, thậm chí là không chú ý, đa số các cha mẹ và ngay cả ông bà cũng ngạc nhiên thấy con cháu mình, nhất là độ tuổi 16-22, có vẻ muốn từ bỏ di sản của mình là đức tin Công giáo.


Tôi có hơn 40 năm làm giáo viên và giáo lý viên, đó là những gì tôi biết ở giới trẻ đã động viên tôi đưa ra vài lời khuyên đối với các giáo viên, các giáo lý viên, các bậc ông bà và cha mẹ. Trong khi không có gì đảm bảo rằng con cháu chúng ta vẫn gần gũi với đức tin Công giáo, vẫn có vài cách tốt để trau dồi đức tin của chúng – và những điều chân thật quan trọng để chúng nhớ:


1. Chất vấn là chuyện bình thường. Có lúc người lớn chúng ta cố gắng hiểu (và có thể cố gắng nhớ) rằng chất vấn trước đây khiến cho niềm tin là một phần trong quá trình trưởng thành.


2. Học hỏi qua kinh nghiệm. Giới trẻ cho những kinh nghiệm là “khủng khiếp”. Vì ông bà và cha mẹ có thể xây dựng trong những khoảnh khắc đó để thúc giục con cháu chú ý tới những kinh nghiệm thực sự khủng khiếp để tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của sự thánh trong cuộc sống hằng ngày, dù các lý do đó khiến một người đạo đức, dân kỹ thuật, một đứa bé, hoặc bất kỳ thứ gì có ấn tượng hay không. Tâm linh Công giáo phát triển trên sự khủng khiếp và kỳ diệu, những điều khủng khiếp và kỳ diệu hằng ngày dẫn chúng ta vào các bí tích một cách tự nhiên.


3. Hãy biết rằng sự thận trọng của Giáo hội một phần là cách đáp lại mức độ thường xuyên con cháu chúng ta bị những thần tượng làm thất vọng. Căn cứ vào những sự phản bội thường xuyên của những có vẻ tốt đó, chúng nghe nói về các phương tiện truyền thông, có thể hiểu rằng chúng không thể tự động tin và tôn trọng các anh hùng – các thánh và những người thánh thiện – chúng ta đặt ra trước mặt chùng. Những vụ bê bối mới đây trong giáo hội cũng làm cho người trẻ – kể cả những người lớn – nghi ngờ các giáo sĩ và những người làm việc trong các bộ của giáo hội. Không lạ gì chúng nghi ngờ khi chúng ta nói với chúng: “Hãy tin tôi, đây là sự thật”. Chúng ta cần tránh kiểu nói: “Vì giáo hội nói vậy” hoặc “Vì tôi nói vậy”, thay vì thế hãy giúp chúng hiểu tại sao chúng ta tin những gì chúng ta làm, và tại sao chúng ta yêu mến giáo hội mặc dù giáo hội vẫn có những bất toàn.


4. Hãy biết rằng cha mẹ là những người ảnh hưởng nhiều nhất trong đời sống con cái. Gương sáng của cha mẹ là khí cụ mạnh nhất mà chúng ta phải giúp giữ Thiên Chúa và tôn giáo trong đời sống của con cái. Tôi tin rằng việc thảo luận về đức tin, về vị trí giáo hội, về việc thờ phượng và cầu nguyện, về vị trí của Thiên Chúa trong các vấn đề luân lý, đạo đức và các mối quan hệ nên ở trong phạm vi kinh nghiệm gia đình. Tôi luôn cảm thấy rất gần gũi với các học trò của tôi khi chúng tôi chia sẻ những câu chuyện về đức tin, đó là những lúc an ủi duy nhất vì biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta, hoặc là những lúc bình an và hy vọng nhờ Thiên Chúa, Đấng chỉ muốn những điều tốt nhất cho chúng ta. Không cha mẹ nào muốn bày tỏ kinh nghiệm đó cho giáo viên, đó là quyền ưu tiên của cha mẹ. Cha mẹ có thể cảm thấy thoải mái kể những câu chuyện riêng bản thân vì con cái sẽ biết tầm quan trọng của mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa. Trong lúc khó khăn, việc cha mẹ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa giúp an ủi con cái và giúp chúng hiểu rằng làm người lớn nghĩa là làm cho Thiên Chúa hữu hình và có thể đạt tới.


5. Đừng ngại hỏi các giáo viên và các giáo lý viên về cách trả lời các vấn đề tôn giáo và tâm linh. Mối quan hệ giữa cha mẹ và chương trình giáo dục tôn giáo của giáo xứ hoặc trường học Công giáo nên hợp tác với nhau. Cha mẹ nên cảm thấy thoải mái tận dụng khi có “cơ hội giáo dục”. Các giáo viên được đào tạo về các giai đoạn phát triển của trẻ em, và nên giúp đỡ các bậc cha mẹ góp các câu hỏi, mối bận tâm, và các vấn đề trước khi sự cố xảy ra minh nhiên.


6. Khuyến khích vai trò của ông bà trong đời sống người trẻ. Tôi tin rằng có sự kỳ diệu trong việc cách quãng một thế hệ. Ông bà có viễn cảnh giáo dục cha mẹ của thiếu niên và biết quan ngại rằng cha mẹ là nguyên nhân và có kinh nghiệm. Đối với nhiều người trẻ, ông bà là những người có thể có uy tín và có thời gian lắng nghe những mối lo âu của chúng về Thiên Chúa và cuộc sống. Hãy khuyến khích ông bà góp phần giáo dục đức tin cho chúng.
Ông bà có kinh nghiệm về đức tin. Người già có thể góp những câu chuyện và kinh nghiệm mà họ coi đó là xây dựng sự khôn ngoan của “quyền công dân Nước Trời”. Khi cha mẹ thường bị căng thẳng vì công việc và trách nhiệm, ông bà có thể đảm nhiệm công việc giáo dục đức tin cho lớp trẻ.


7. Nuôi dưỡng sự hiểu biết những gì ý nghĩa thuộc về Giáo hội Công giáo ở người trẻ, nhất là thiếu niên. Viện Nghiên cứu Quốc gia về Tuổi trẻ và Tôn giáo cho biết rằng tôn giáo và Thiên Chúa thực sự quan trọng trong đời sống người trẻ, nhưng vấn đề chính là “chủ nghĩa cái gì” (whatever-ism) khi tôn giáo và giáo hội bỏ chúng lạnh lẽo.
Khoảng 20 năm trước, tôi có thể nhớ ngày Chúa nhật Phục sinh ở Rôma. Tôi đi cùng một nhóm thiếu niên dự lễ Phục sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô. Từ phía sau, tôi nghe một đứa nói nhỏ: “Sơ ơi!”. Stephen lặp lại và lách qua đám đông để đến gần tôi. “Gì vậy?”, tôi hỏi. “Thánh lễ”, nó nói. “Cũng giống nhau!”. Nó so sánh với nơi khác, thánh lễ là thánh lễ, và giáo hội là giáo hội.
Tôi cũng có kinh nghiệm tham dự thánh lễ dành cho thiếu niên ở Arizona, ở đây chúng toàn mặc áo thun có hàng chữ “Hãy hãnh diện là người Công giáo” phía trước ngực. Tôi không hoàn toàn thú vị với cách diễn tả mang tính bài ngoại (xenophobia) như vậy, nhưng tôi phải công nhận rằng điều này thích hợp hơn để tụ họp màu sắc thành hàng dài. Điều đó theo tôi về đến tận nhà mà nghĩ rằng có sự tìm kiếm vĩnh cửu này của tuổi trẻ đối với mối quan hệ, sự sở hữu.


8. Đừng sợ nếu con cái tuổi thiếu niên không quan tâm tôn giáo. Chúng ta cần giúp con cháu thấm nhuần và sống đức tin sống động bằng cách thể hiện và bằng gương sáng mà giáo hội là ngôi nhà luôn chào đón chúng, nơi chúng có thể bày tỏ mối nghi ngờ và lo sợ, nơi có sứ điệp của Chúa Giêsu, và là nơi mai này chúng có thể đưa con cái của chúng đến. Nếu chúng không nối kết với giáo hội khi chúng còn nhỏ, chúng không bao giờ biết cách gần gũi Thiên Chúa trong tâm hồn. Chúng ta chỉ có thể để cửa mở rộng, tiếp tục cầu nguyện và phó thác chúng cho Thiên Chúa.

(*) Nữ tu Carol Cimino thuộc dòng Nữ tử Thánh Giuse thành Rochester, New York. Chị là một giáo viên và là administrator về giáo dục Công giáo và là người đồng điều hành Viện Lãnh đạo trường Công giáo tại ĐH Manhattan. Chị là tác giả cuốn Come Gather Round: Time-Tested Lessons From a Lifelong Catechist.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Catholic Digest

10 ĐIỀU TRẺ EM CÔNG GIÁO CẦN BIẾT

10 điều trẻ em Công giáo cần biết

Posted Sat, 03/26/2011 - 10:34 by athu

Tác giả Scott P. Richert



Dạy trẻ cầu nguyện có thể là việc khó. Tốt nhất là bắt đầu với những kinh phổ biến để trẻ có thể dễ nhớ. Trẻ sắp rước lễ lần đầu nên nhớ các kinh dưới đây, còn lời nguyện trước bữa ăn và kinh Thiên thần Bản mệnh là những kinh nguyện mà các trẻ còn rất nhỏ cũng có thể đọc hằng ngày.


1. Dấu Thánh giá. Dấu Thánh Giá là lời nguyện cơ bản nhất của Công giáo, mặc dù chúng ta không thường nghĩ vậy. Chúng ta nên dạy con cái làm dấu với lòng tôn kính trước và sau mỗi kinh nguyện. Vấn đề phổ biến nhất là trẻ tập làm dấu Thánh Giá bằng tay trái thay vì tay phải, vấn đề phổ biến thứ hai là vai phải trước vai trái.


2. Kinh Lạy Cha. Chúng ta nên đọc kinh Lạy Cha hằng ngày với con cái. Đó là lời nguyện tốt lành khi thức dậy và trước khi đi ngủ. Hãy chú ý cách phát âm từng chữ của trẻ; có nhiều khi hiểu sai và phát âm sai.


3. Kinh Kính Mừng. Trẻ thường hướng về Đức Mẹ, và việc học kinh Kính Mừng sớm khiến chúng dễ nuôi dưỡng lòng sùng kính Đức Mẹ và dần dần cho chúng học các kinh về Đức Mẹ dài hơn, chẳng hạn lần chuỗi Mân Côi. Một cách hay để dạy trẻ kinh Kính Mừng là bạn đọc phần một (Kính mừng Maria… và Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ), rồi để trẻ đọc phần hai (Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…).


4. Kinh Sáng Danh. Kinh Sáng Danh là kinh rất đơn giản mà trẻ em nào cũng có thể nhớ như làm dấu Thánh Giá. Nếu trẻ khó nhớ dùng tay nào để làm dấu (hoặc vai nào trước, vai nào sau), bạn có thể vừa làm dấu vừa đọc kinh Sáng Danh, như Công giáo theo Nghi thức Đông phương và Chính thống giáo áp dụng.


5. Kinh Tin. Kinh Tin, kinh Cậy, kinh Mến là những kinh nguyện buổi sáng phổ biến. Nếu bạn giúp con cái nhớ các kinh này, chúng sẽ luôn có cách cầu nguyện mỗi sáng nếu chúng không có thời gian đọc những kinh dài hơn.


6. Kinh Cậy. Kinh Cậy là kinh nguyện rất tốt cho trẻ đến tuổi đi học. Hãy khuyến khích trẻ học thuộc để chúng có thể cầu nguyện trước khi làm bài kiểm tra. Không có cách thay thế cho việc học hành, đó là cách tốt cho học sinh nhận biết chúng không thể dựa vào sức riêng mình.


7. Kinh Mến. Tuổi thơ là thời gian đầy những cảm xúc sâu sắc, trẻ thường chịu đựng và hiểu những điều thực tế cùng bạn bè và bạn học. Mục đích ban đầu của kinh Mến là bày tỏ tình yêu mình dành cho Thiên Chúa, kinh nguyện này hàng ngày nhắc nhớ trẻ cố gắng tập tha thứ và yêu thương tha nhân.


8. Kinh Ăn Năn Tội. Kinh Ăn Năn Tội là kinh nguyện chính đối với Bí tích Hoà Giải, nhưng chúng ta cũng nên khuyến khích trẻ đọc kinh này mỗi tối trước khi ngủ. Những trẻ mới xưng tội lần đầu cũng nên xét mình nhanh trước khi đọc kinh Ăn Năn Tội.


9. Lời nguyện trước bữa ăn. Truyền động thái cho con cái có thể rất khó khi xung quanh chúng có nhiều thứ đến mức thừa mứa (overabundance). Lời nguyện trước bữa ăn là cách tốt để nhắc nhở chúng (và cả chính chúng ta!) rằng mọi thứ chúng ta có đều do Thiên Chúa ban. Hãy tạo thói quen cầu nguyện trước bữa ăn để giáo dục lòng biết ơn và cầu nguyện cho những người đã qua đời.


10. Kinh Thiên thần Bản mệnh. Với lòng sùng kính Đức Mẹ, trẻ có thiên hướng về niềm tin vào Thiên thần Bản mệnh. Giáo dục niềm tin đó ngay từ khi chúng còn nhỏ sẽ giúp trẻ khỏi nghi ngờ về sau. Khi trẻ lớn hơn, hãy khuyến khích chúng supplement kinh Thiên thần Bản mệnh bằng lời cầu riêng tư hơn đối với Thiên thần Bản mệnh.

Trầm Thiên Thu


Nguồn: Chuyển ngữ từ Catholicism.about.com

BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG

Bí quyết thành công

Posted Fri, 12/10/2010 - 20:09 by athu

Bí quyết thành công

Những người thành công suy nghĩ như thế nào? Điều gì điều khiển họ? Sau đây là những bí quyết được đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều người.

1. Chịu trách nhiệm

Người ta không thể kiểm soát thiên nhiên, quá khứ và người khác. Nhưng người ta khả dĩ kiểm soát tư tưởng và hành động của mình. Chịu trách nhiệm về cuộc đời mình là một tác động mạnh nhất mà bạn có thể làm được.

Les Brown bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới sinh và bị coi là thiểu năng trí tuệ. Nhưng ông không đánh mất hy vọng. Và Brown đã trở thành chính khách. Ngày nay, mỗi giờ ông kiếm được 20.000 USD với tư cách là một trong số diễn giả hàng đầu thế giới.

2. Có mục đích

Là làm những thứ bạn hoàn toàn tin mình đủ khả năng và cố gắng đủ mức để đạt được nó. Bạn thích những gì bạn làm và thể hiện điều đó. Người ta muốn hợp tác với bạn vì họ thấy bạn nghiêm túc.

3. Lập kế hoạch

Cố gắng đạt mục đích mà không có kế hoạch hoạt động cũng giống như lái xe qua những con đường lạ dẫn tới một nơi rất xa. Lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc có thể làm bạn phải bỏ cuộc sớm. Với kế hoạch trong tay, bạn sẽ vui vẻ và đến đích trong thời gian sớm nhất.

4. Sẵn sàng trả giá

Những người thành công thấy điều gì đáng trả giá để biến ước mơ thành sự thật. Họ không than phiền về công sức đã bỏ ra.

5. Không đầu hàng

Khi Jack Canfield và Mark Vitor Hansen biên soạn cuốn Chicken soup for the soul, họ bị hơn 100 nhà xuất bản từ chối. Họ vẫn tập trung vào mục đích và cũng có người đồng ý xuất bản. Bây giờ, đó là sách bán chạy nhất. Đó là sức mạnh của sự kiên trì.

Hãy dành nhiều thời gian vào việc đạt mục đích và ước mơ. Bạn nên tư vấn: “Điều tôi đang làm có đến gần mục đích không?”.

6. Đừng trì hoãn

Cơ hội không phải lúc nào cũng có. Người thành công luôn biết nắm bắt cơ hội, nỗ lực và đam mê hành động để thực hiện ước mơ. Bạn cũng có thể như vậy.

CÔNG GIÁO VÀ TIN LÀNH: TƯƠNG VÀ BẤT

NHỮNG TƯƠNG ÐỒNG VÀ BẤT ÐỒNG GIỮA CÔNG GIÁO VÀ TIN LÀNH


Posted Sat, 01/08/2011 - 08:36 by athu

Từ đầu thế kỷ XX, mọi Kitô hữu, nhất là ở các giáo hội Tây Phương, đã cảm thấy mối đe dọa chính đối với họ không còn đến từ “bọn Thệ Phản” đối với người Công Giáo, hoặc “phe Công Giáo La Mã” đối với những anh em Tin Lành (Protestant). Nhưng nó đã đến từ các chủ thuyết mới xuất hiện như cộng sản chủ nghĩa, quốc gia chủ nghĩa, khoa học chủ nghĩa, phàm tục chủ nghĩa (secularism), khoái lạc chủ nghĩa (hedoism), tình cảm chủ nghĩa, tà đạo chủ nghĩa (cultism) v.v… Những chủ thuyết mới này đã nhanh chóng chứng tỏ rằng chúng có khả năng làm biến đổi đời sống tinh thần cũng như vật chất của con người và trực tiếp đối chọi với những giá trị bất biến của Kitô giáo. Gần đây, lại có những thành phần quá khích của Hồi giáo đã tạo những cuộc khủng bố, hăm dọa sự an toàn của cả thế giới. Do đó, cùng với những nguyên nhân khác, các Kitô hữu (gồm Công Giáo, Chính Thống-Đông Phương, Tin Lành…) đã thấy sự cấn thiết phải ngồi lại với nhau, tạo một lực lượng chung đễ đương đầu với những thách đố mới.

Tuy vẫn có những tương đồng giữa giáo hội Công Giáo và các giáo hội Tin Lành, nhưng các bất đồng đã và đang là trở ngại chính cho mọi nỗ lực hợp nhất. Ở đây, chúng tôi không muốn dùng tiếng “dị biệt” giữa các anh em Kitô, vì không thể có dị biệt giữa những người anh em, con của một Cha chung. Có chăng, chỉ là những bất đồng giai đoạn mà thôi. Tuy nhiên, giảm thiểu hoặc giản dị hóa những bất đồng giữa Công Giáo và Tin Lành trong việc diễn giải Kinh Thánh, đã không thể gọi là một hành động nghiêm chỉnh và thành thật. Mặt khác, nếu không công nhận những tương đồng quan trọng giữa các giáo hội Kitô, sẽ bị cho là thiển cận và thiếu công tâm.

NHỮNG TƯƠNG ÐỒNG

Công Giáo và Tin Lành cùng chia sẻ một nhãn quan xuyên qua những sự kiện vật chất để hướng tới những gía trị tinh thần, đồng thời nhắc nhở con người sống cho cả hai cuộc sống đời này cũng như đời sau. Họ cùng tin vào Thiên Chúa và trung thành với Ðức Giêsu Kitô. Cùng công nhận 10 giới răn như lề luật cho mọi hành vi. Cùng tin rằng con người sau khi sa ngã, nếu không có sự giúp đỡ, tự con người không thể tìm được sự cứu rỗi nếu không có Ðấng Cứu Thế. Họ cùng đọc và tôn trọng Kinh Thánh, tuyên xưng cùng một kinh Tin Kính (của công đồng Nicaea) và cầu nguyện cùng một kinh Lạy Cha. Con người được gia nhập đời sống ân sủng và thánh thiện qua bí tích Rửa Tội, Thanh Niên nam nữ Công Giáo và Tin Lành có thể kết hôn với nhau và phép Hôn Phối đã được các giáo hội tôn trọng. Họ cùng mừng chung các lễ Giáng Sinh và Phục Sinh (trừ các giáo hội Chính Thống Ðông Phương), cùng công nhận các giảng huấn của các thánh Tông Ðồ, các văn bản thánh thiện và chia sẻ các bản thánh ca.

Trong sắc lệnh về Hiệp Nhất (Unitatis Redintegratio) của Công đồng Vatican II, các nghị phụ đã tuyên bố: “Một khi đã được công chính hóa nhờ đức tin khi chịu phép Rửa Tội, họ (các anh em Tin Lành) đã được tháp nhập vào Chúa Kitô, và vì thế họ có quyền mang danh Kitô hữu, xứng đáng là con cái Chúa và và được giáo hội Công Giáo nhìn nhận là anh chị em trong Chúa.” (Ch.I, đ.3). Về các giáo hội Tin Lành, các nghị phụ cũng đã xác định: “Dù chúng ta tin là họ còn khiếm khuyết, nhưng chính các giáo hội và các cộng đồng tách riêng ấy vẫn chưa trở thành vô nghĩa và vô giá trị trong Mầu Nhiệm Cứu Rỗi. Vì Thánh Thần của Chúa Kitô không khước từ xử dụng họ như những phương tiện cứu rỗi mà năng lực phát xuất từ chính sự sung mãn của Ơn Thánh và Chân Lý đã được ủy thác cho giáo hội Cơng Giáo.” (ibid.)

NHỮNG BẤT ÐỒNG

Người ta có thể chia những bất đồng giữa giáo hội Công Giáo và các giáo hội Tin Lành thành hai loại chính: Những bất đồng căn bản và những bất đồng “tai nạn.”

Các bất đồng tai nạn đã xảy ra theo thời gian và hoàn cảnh địa phương, nhu cầu kỷ luật, biến thiên lịch sử, hội nhập văn hóa mà các giáo hội cảm thấy hữu ích và chấp nhận. Những điều đó đã trở thành cá tính của một giáo hội Tin Lành. Trong trên 300 giáo hội Tin Lành khác nhau, đã không có giáo hội nào hoàn toàn giống giáo hội khác.

Tuy nhiên, chỉ những bất đồng căn bản mới thực sự là những trở ngại chính cho công cuộc hiệp nhất. Các Kitô hữu đã tin rằng con người khi được tạo dựng đã hoàn hảo, nhưng vì xử dụng tự do cách sai lầm nên đã bất tuân lệnh Chúa và sa ngã.

1. Con người sau tội tổ tông (Justification)

Bất đồng đầu tiên giữa Công Giáo và Tin Lành khởi đi từ quan niệm về bản tính của con người sau khi đã sa ngã. Người Công Giáo tin rằng: Sau khi sa ngã, những sung mãn của bản tính và ân sủng của con người đã bị suy yếu. Những ơn Chúa ban cho ông bà Nguyên Tổ trong vườn địa đàng đã bị mất hết. Những ơn đó là ơn siêu nhiên, sự bất tử của thân xác, sự vẹn toàn và không phải đau khổ. Nếu không có ơn Cứu Chuộc, con người sẽ không tự mình tìm đến Nhan Thánh Chúa được. Nhưng bản tính tiên khởi của con người vẫn còn.

Trong khi đó, ông Luther (Lu-Te) lại cho rằng sau khi sa ngã, con người đã mất hết. Tất cả những gì con người làm, kể cả việc thiện, đều gây phiền toái cho Chúa và không có ơn ích gì cả. Sự công chính hóa (justification) chỉ bởi đức tin mà thôi và ơn cứu chuộc là do Chúa ban cách riêng chứ con người không thể tự hưởng bằng những việc lành. Thuyết công chính hóa bởi đức tin đó đã đưa đến ba nguyên tắc khác: Chối bỏ việc con người có lòng muốn tự do (free will), chỉ có công chính hóa ngoại tại, và chối bỏ sự hữu ích của mọi việc thiện.

Ngược lại, người Công Giáo tin rằng con người có toàn quyền xử dụng lòng muốn tự do của mình, ngay cả việc từ chối ơn Chúa ban. Sau khi được công chính hóa toàn diện (bởi đức Tin và Phép Rửa) mọi việc thiện của con người đều nên công trạng. “Ðức tin nếu không có việc làm là đức tin chết.”

2. Ðức tin

Tin Lành: Ðức tin là tác động tối thượng, tin vào Chúa rằng Ngài sẽ cứu ta khỏi hỏa ngục và “che đậy” mọi tội lỗi của ta (Ngài chỉ che đậy chứ tội lỗi vẫn luôn luôn còn). Do đó, đức tin trở nên một hành động của lòng muốn và tình cảm.

Công Giáo: Ðức tin là một sự đồng ý với ơn Chúa mạc khải. Thí dụ: Khi Chúa Kitô nói phép rửa tội thì cần thiết để được cứu rỗi. Chúng ta chấp nhận câu tuyên bố này vì chúng ta tin vào Ngài. Ðức tin đối với người Công Giáo là một hành động của trí khôn.

3. Kinh Thánh

Tin Lành: Kinh Thánh có quyền tôn giáo tối thượng. Không chấp nhận những khẩu truyền kể từ sau thời các thánh Tông Ðồ.

Công Giáo: Chúa Kitô chỉ giảng dạy chứ không viết Kinh Thánh và tự bộ Kinh Thánh đã không được quyền tôn giáo tối thượng. Từ chối khẩu truyền là tự tiện và độc đoán.

Ðối với Tin Lành, mọi người đều có quyền và bổn phận diễn giải Kinh Thánh theo ý mình hiểu. Sự kiện này đã là nguyên nhân đưa đến việc phân chia giữa các giáo hội Tin Lành thành hàng trăm giáo hội khác nhau. Trong khi đó, Công Giáo tin rằng Giáo Hội dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Linh, là cơ quan duy nhất có quyền diễn giải Kinh Thánh. Ðể am tường Kinh Thánh, người ta đã phải thấu hiểu các nguyên ngữ nguyên bản của Kinh Thánh, thần học, lịch sử và khảo cổ học (Archaeology). Do đó, nếu không có những nhà chuyên môn trợ giúp, người ta có thể sẽ không hiểu hoặc hiểu Kinh Thánh cách sai lạc.

4. Quyền bính Ðức Giáo Hoàng

Tin Lành: Giáo hội thì vô hình, những giáo hữu của các giáo hội này chỉ có Chúa biết mà thôi. Ðứng đầu giáo hội là chính Chúa Kitô.

Công Giáo: Chỉ có một giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền do Chúa Kitô khai sáng. Người đứng đầu hữu hình của giáo hội là vị Ðại Diện Chúa Kitô, kế vị thánh Phêrô, là Ðức Giáo Hoàng, là vị Giám Mục thành Roma.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây có nhiều anh em Tin Lành đã tỏ mối thán phục và cảm tình với các ÐHG đặc biệt là Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

5. Những giáo huấn của giáo hội

Tin Lành: Không công nhận giáo hội là một tổ chức thánh thiện có quyền giảng dạy. Ðối với họ, giáo hội chỉ là một tổ chức thân hữu của những người tin vào Chúa Kitô và cùng chia sẻ Lời Chúa.

Công Giáo (và các giáo hội Ðông Phương): Tin Mừng Cứu Rỗi đến với từng cá nhân qua giáo hội với sự bảo đảm không bị sai lầm mà không một Kitô hữu nào dám tự nhận.

6. Các bí tích

Tin Lành: Từ chối tất cả các bí tích, trừ phép Rửa Tội và nghi thức Tiệc Ly, nhưng họ giữ hai điều này vì vâng theo thánh ý Chúa mà thôi. Các phép thống hối (giải tội), thêm sức, truyền chức thánh, hôn phối, và sức dầu bệnh nhân chỉ được giữ như những nghi thức của giáo hội chứ không phải là bí tích.

Về nghi thức tiệc ly (chứ không phải thánh lễ), người Tin Lành từ chối ý nghĩa “của lễ Hi Sinh” và đặt Lời Chúa thành trọng tâm của việc thờ phượng. Vì giáo hội vô hình, lại không có thánh lễ và năm bí tích khác nên chức linh mục cũng trở nên không cần thiết. Tất cả các tín hữu đều là linh mục mà lễ Truyền Chức là phép Rửa Tội. Tuy nhiên, một số người đã được huấn luyện cách đặc biệt, trở thành mục sư để điều hợp cộng đoàn.

Công Giáo: Công nhận tất cả 7 bí tích do Chúa lập ra. Bí tích Thánh Thể gồm cả Lời Chúa, hiến tế hi sinh, và chia sẻ Mình Thánh, chứ không phải chỉ có Lời Chúa mà thôi. Mọi người cùng tham dự vào thiên chức linh mục của Chúa Kitô và là những phần tử của Nhiệm Thể của Ngài. Một số người được ơn gọi đặc biệt làm linh mục để cử hành Hiến Lễ Hi Sinh.

7. Sự Tiền Ðịnh (Predestination)

Tin Lành: Chúa đã chọn một số người vào Thiên Ðàng, còn những người khác bị vào hỏa ngục, dù có ăn ngay ở lành thế nào cũng không thể thay đổi được ý Chúa.

Công Giáo: Hoàn toàn không chấp nhận thuyết này, vì theo đó, con người không còn có lòng muốn tự do, ngược hẳn với tín lý.

Ngoài ra, người Tin Lành còn chối bỏ luyện tội, họ cho rằng sau khi chết, linh hồn hoặc lên thiên đàng, hoặc xuống hỏa ngục mà thôi. Mọi lời cầu nguyện cho kẻ chết đều không có ích gì cả. Họ cũng hủy bỏ việc sùng kính Ðức Mẹ và các Thánh.

NHỮNG HÒA ÐỒNG

Tinh thần hòa giải và hòa hợp hởi đi từ đầu thế kỷ XX đã đưa các giáo hội đến gần nhau hơn, không những chỉ qua lời nói và cử chỉ thân mật bề ngoài, nhưng cả trong thực hành nữa. Những bất đồng giữa Công Giáo và Tin Lành đã thực sự được thu hẹp hơn. Ðặc biệt trong những thập niên sau công đồng Vatican II, thánh lễ đã được cử hành bằng các ngôn ngữ địa phương. Nội dung các bài giảng đã được chuẩn bị và chú trọng cách đặc biệt. Phần tham gia của các tín hữu (đáp ca, thánh ca) cũng được để ý và phát triển hơn. Giáo dân đã tham gia nhiều hơn vào các công tác phụng vụ và mục vụ. Ở nhiều nơi, giáo dân đã chịu Mình Thánh qua cả hình Bánh và hình Rượu như linh mục. Các Thày Sáu Vĩnh Viễn, thường là những người đã lập gia đình, được kể vào hàng giáo sĩ và có quyền giảng, rửa tội, ban phép hôn phối và cử hành nghi thức an táng… Một chiều hướng mục vụ đặc biệt dành cho các cặp hôn nhân giữa Công Giáo và Tin Lành cũng đã được đề cập tới.

Mặt khác, đã có nhiều anh em Tin Lành nhìn lại vai trò của Ðức Mẹ trong đời sống của các Kitô hữu cách nghiêm chỉnh hơn. Họ cũng thay đổi nhãn quan về vai trò và quyền bính của Ðức Giáo Hoàng. Các nhà thần học Công Giáo và Tin Lành đã hội họp với nhau và tìm ra rất nhiều lãnh vực tương đồng giữa các giáo hội mà trước đây người ta đã không nghĩ tới.

Sau khi nhấn mạnh rằng phép Rửa Tội “tạo nên mối giây hiệp nhất tất cả những người đã được tái sinh.” (Sắc Lệnh Hiệp Nhất, ibid. III, 22), các nghị phụ công đồng đã khảo sát đời sống Kitô hữu của các anh em Tin Lành: “Ðời sống Kitô hữu của các anh em ấy được nuôi dưỡng bằng Ðức Tin vào Chúa Kitô và được duy trì nhờ ân sủng của phép Rửa Tội và nhờ nghe Lời Chúa; đời sống ấy biểu lộ trong kinh nguyện riêng, trong việc suy niệm Kinh Thánh, trong đời sống gia đình Kitô giáo, trong việc phụng sự của cộng đoàn tụ hợp để ngợi khen Thiên Chúa.” (ibid.)

Với “con cái trong nhà” các nghị phụ đã ân cần nhắc nhở: “Ngày nay, ở nhiều nơi trên thế giới, nhờ Ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, rất nhiều cố gắng nhằm tiến tới hiệp nhất đầy đủ, theo ý muốn của Chúa Giêsu Kitô đang được thực hiện bằng kinh nguyện, lời nói, việc làm, nên Công Ðồng này khuyến khích tất cả mọi người Công Giáo hãy nhận ra những dấu chỉ thời đại, hãy khéo léo tham gia vào công cuộc hiệp nhất này.” (ibid.I,4).


Nguồn: Vietcatholicnews