Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

NGÀY CỦA CHA

Ngày Thân Phụ

Posted Mon, 06/13/2011 - 10:55 by athu

Hằng năm, chúng ta có Ngày Thân Mẫu (Mother’s Day) để tôn vinh các người Mẹ, được kỷ niệm vào Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm, và chúng ta cũng có Ngày Thân Phụ (Father's Day) để tôn vinh các người Cha, được kỷ niệm vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu.

Lịch sử

Nguồn gốc Ngày Thân Phụ không là một hiện tượng xảy ra trễ nhất, các học giả cho rằng Ngày Thân Phụ có từ thời Babylon bị tàn phá. Một thanh niên tên là Elmesu đã khắc Thông điệp Ngày Thân Phụ trên một tấm thiệp bằng đất sét gần 4.000 năm trước. Elmesu ước mong cha mình có sức khoẻ tốt và sống lâu. Dù không có chứng cớ về Elmesu và người cha nhưng truyền thống kỷ niệm Ngày Thân Phụ vẫn lưu truyền ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày Thân Phụ tại Hoa Kỳ

Cách nhìn ngày nay về việc kỷ niệm Ngày Thân Phụ có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, sau đó truyền thống này lan truyền sang các nước trên thế giới. Thế giới mang ơn bà Sonora Louis Smart Dodd, một người con yêu thương ở Spokane (Washington) vì bà đã tranh đấu để có Ngày Thân Phụ như ngày nay. Bà cho rằng chúng ta tôn vinh những người Mẹ mà lại quên công khó của những người Cha trên cương vị “chống mũi chịu sào”.

Ý tưởng về Ngày Thân Phụ xuất hiện trong đầu bà Sonora khi bà tình cờ nghe bài giảng thuyết về Ngày Thân Mẫu năm 1909. Lúc đó bà 27 tuổi, bà nghĩ: “Nếu có ngày tôn vinh Mẹ thì tại sao không có ngày tôn vinh Cha?”. Bà cảm thấy thương những người cha vì tình thương bà nhận được từ người cha của bà là ông William Jackson Smart, một cựu chiến binh. Mẹ bà qua đời do sinh con khi Sonora mới 16 tuổi. Ông Smart phải chịu cảnh “gà trống” nuôi 5 đứa con bằng tất cả lòng yêu thương và chăm sóc của người cha kiêm chức năng làm mẹ.

Được cảm hứng từ việc bà Anna Jarvis đấu tranh để có Ngày Thân Mẫu, bà Dodd bắt đầu khởi xướng tổ chức Ngày Thân Phụ tại Hoa Kỳ. Hiệp hội Chính quyền Spokane (Spokane Ministerial Association) và Hiệp hội Thanh niên Kitô giáo (Young Men's Christian Association - YMCA) tại địa phương ủng hộ ý nguyện của bà Sonora. Kết quả là Ngày Thân Phụ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 19-6-1910. Dù ban đầu có sự lưỡng lự, nhưng vẫn được nhiều người ủng hộ, và Ngày Thân Phụ được tổ chức tại các thành phố trong quốc gia Hoa Kỳ.

Thấy rất nhiều người tụ họp kỷ niệm Ngày Thân Phụ tại Hoa Kỳ, Tổng thống Woodrow Wilson phê chuẩn việc này vào năm 1916. Tổng thống Calvin Coolidge cũng ủng hộ Ngày Thân Phụ mang tính quốc gia của Hoa Kỳ vào năm 1924: “Hãy thiết lập các mối quan hệ thân mật giữa cha con và nhấn mạnh vào trách njiệm của họ”. Sau 40 năm đấu tranh, tổng thống Lyndon Johnson ký lệnh dùng Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu là Ngày Thân Phụ từ năm 1966. Năm 1972, tổng thống Richard Nixon ký quyết định vĩnh viễn kỷ niệm Ngày Thân Phụ vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu hằng năm. Bà Sonora Smart Dodd được tôn vinh vì bà đã góp phần vào Hội chợ Thế giới (World's Fair) ở Spokane năm 1974. Bà Dodd qua đời năm 1978, hưởng thọ 96 tuổi.

Các giả thuyết về lịch sử Ngày Thân Phụ

Có vài giả thuyết về Ngày Thân Phụ. Một số người co rằng Ngày Thân Phụ đầu tiên được tổ chức tại miền Tây Virginia năm 1908. Một số người khác cho rằng lễ này được tổ chức lần đầu tại Vancouver, Washington.

Chủ tịch câu lạc bộ Lions tại Chicago, ông Harry Meek, được coi là người tổ chức Ngày Thân Phụ đầu tiên vào năm 1915 để nhấn mạnh vào việc tôn vinh những người cha. Ông chọn Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu để kỷ niệm, đó là ngày gần sinh nhật của ông Meek. Để đánh giá công việc của ông Meek, CLB Lions của Hoa Kỳ đã tặng ông chiếc đồng hồ bằng vàng, với lời đề tặng “Người khởi xướng Ngày Thân Phụ” (Originator of Father's Day) vào chính sinh nhật của ông, 20-6-1920. Một số sử gia tôn vinh bà Charles Clayton ở Tây Virginia là người khởi xướng Ngày Thân Phụ.

Năm 1957, thượng nghị sĩ Margaret Chase Smith viết thư gởi quốc hội: “Dù chúng ta tôn vinh người cha hay người mẹ thì cũng đừng bỏ người nào. Người cha hay người mẹ bị bỏ quên cũng đều cảm thấy buồn vậy”.

Ngày Thân Phụ được kỷ niệm vào những ngày khác nhau ở các nước khác nhau. Đa số các nước - kể cả Hoa Kỳ, Anh, Canada, Chilê, Pháp, Nhật và Ấn Độ - đều kỷ niệm Ngày Thân Phụ vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu.

Mặc dù Ngày Thân Phụ không cố định giống nhau tại các nước và cách kỷ niệm cũng khác nhau, nhưng ở đâu cũng chung một tâm tình là tôn vinh công lao của những người cha và bày tỏ lòng yêu thương đấng sinh thành. Vào ngày này, con cái gửi thiệp mừng, hoa và quà cho cha mình để bày tỏ lòng yêu thương và kính trọng.

Tại nhiều quốc gia có đa số là người Công giáo thì Ngày Thân Phụ được mừng vào ngày lễ kính Đức Thánh Giuse, 19 tháng Ba.

Ngày Thân Phụ được coi là rất quan trọng vì ngày này giúp nhận thức về công lao của những người cha đối với gia đình và xã hội. Việc cử hành Ngày Thân Phụ không chỉ giúp những người con có cơ hội bày tỏ yêu thương và kính trọng đối với cha mình, mà còn giúp củng cố quan hệ phụ tử và phát triển tình cảm của người con dành cho cha mình.

Lời cầu nguyện cho Thân Phụ

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hậu, xin chúc lành cho những người cha trên thế giới, xin hướng dẫn những người cha biết yêu thương và làm gương lành cho con cái, xin biến đổi họ trở nên những người cha như chính Chúa là Cha, xin ban cho họ tràn đầy hồng ân và kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh với lòng yêu thương đích thực. Amen.

KIÊU NGẠO

“TÊN KIÊU NGẠO” bị vạch mặt

Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.(Mt 11:29)
Khiêm nhường và Kiêu Ngạo giống như 2 mặt của một vấn đề.
Tương quan của chúng biến ảo kỳ diệu.
Lúc thì thằng nọ nhường cho thằng kia.
Lúc thì thằng nọ núp sau thằng kia.
Chỉ khi nào ta vạch mặt tên Kiêu Ngạo thì lúc đó anh bạn Khiêm Nhường mới hành sử đúng vai trò của mình.
Từ đó, chỗ nào Khiêm Nhường xuất hiện thì lập tức tên Kiêu Ngạo âm thầm rút lui đi chỗ khác chơi.

Kiêu ngạo là một tên đầy mưu mô và quỷ quyệt.
Nó thường lộ diện một cách trắng trợn qua những thái độ trịch thượng đầy vẻ tự mãn của những người quyền cao, chức trọng, giàu có, tài năng.
Nhưng trong môi trường đạo đức, nó khôn khéo ẩn nấp trong những nơi khó phát hiện nhất.


1. Cố tình giả vờ khiêm nhường.
Tới một chỗ nào đó, biết rằng mình phải ngồi chỗ đó nhưng cứ giả vờ ngồi chỗ bét để người ta phải năn nỉ gãy lưỡi mới chịu lên đúng chỗ của mình.
Đây là mánh khóe Kiêu ngạo chính hiệu “con nai vàng” ẩn mình trong hìn thức Khiêm nhường.
Khi được khen, tôi làm ra vẻ không xứng đáng với lời khen tặng ấy. Nhưng cũng không dám khai ra đây là do công sức của một vài người khác nữa.
Rõ ràng là Kiêu ngạo ẩn mình dưới vỏ bọc Khiêm nhường bên ngoài.


2. Kiêu ngạo ẩn núp dưới chiêu bài “Hoạt Động Tông Đồ”
Ôi!! chiêu bài này thì vô số trường hợp. Một thí dụ điển hình.
Ngay từ lúc đầu, tôi bỏ thời gian, bỏ công sức, bỏ tiền bạc, bỏ gia đình…ra đi hiến thân cho cộng đoàn. Động lực quả thực tốt đẹp, thậm chí đầy hào quang thánh thiện nữa đấy chứ. Nhưng oái oăm thay. Bất cứ điều gì xảy ra phải hợp với “ý của tôi”. Chỉ cần khác “ý của tôi” thì dù điều đó tốt đẹp đến mấy đi nữa, tôi cũng gạt bỏ thẳng tay. Không chỉ gạt bỏ ý kiến mà còn loại trừ cả những tên dám có sáng kiến tốt đẹp mang lại lợi ích cho cộng đoàn nhưng có nguy cơ làm lu mờ uy tín của ông huynh trưởng cao cấp.
Thế thì còn gì là uy tín của ông trưởng nữa??
Mất mặt bầu cua sao??
Người ta sẽ ùn ùn đi theo tên đó. Như vậy sẽ gây chia rẽ và rối loạn cộng đoàn của mình!!! Đây là một kiểu kết tội dưới chiêu bài vì “sự ổn định cộng đoàn”.
Nhưng bất cứ ai khen tặng công trình vĩ đại của tôi thì lập tức tôi liền đáp như máy: Chúa bảo phải làm thì làm chứ”. Làm như mình khiêm nhường hết mình!!
Chúa nào bảo?? trong khi chẳng thấy Chúa trong cuộc đời của mình.
Đúng là kiêu ngạo khéo léo ẩn núp dưới chiêu bài “Hoạt Động Tông Đồ”.

3. Kiêu ngạo khôn khéo núp sau ánh hào quang thánh thiện.
Nhiều người tin “sái cổ” rằng:
Chúa đã chọn “ông ấy”, vì vậy những ý của ông ấy, bất kể đúng sai, bất kể là ý gì đều là “đại diện” cho “ý Chúa”. Thánh thiện quá sức mình!!!
Vì thế, tốt nhất là
Ông ấy bảo gì.. cứ nhắm mắt mà nghe theo.
Ông ấy sai đi đâu hoặc làm gì ..mà dám từ chối…tức là làm tay sai cho Satan!!!
Thế là ông ấy tha hồ tự tung tự tác và cũng “cứ tưởng ý mình là ý Chúa” buộc cấp dưới phải “vâng lời xác chết” !!! Theo tinh thần “vâng lời tốt hơn của lễ” !!
Vì là “đại diện của Chúa ở trần gian” nên ông được bao phủ một vòng hào quang thánh thiện. Bố ai dám động đến ông!! Ông ta sẽ cho “ngồi chơi xơi nước”, thậm chí ông còn ra “vạ tuyệt thông” thì khốn cả một đời!!
Cứ như thế “thằng kiêu ngạo” trong ông lớn lên theo thời gian… đến nỗi Chúa vốn đã không có chỗ đứng trong “đền thờ” của ông (1Cr 3:16).. bây giờ trở thành “kẻ lang thang không nhà”.
Nếu nhìn vào những hoạt động bên ngoài của ông, nhiều người cũng phải thốt lên: “Ôi, đạo đức quá!!”
Quả thực là Kiêu ngạo khôn khéo núp sau ánh hào quang thánh thiện.

Quan niệm về Kiêu ngạo


Quan niệm thông thường
Khi bàn tới kiêu ngạo, người ta thường cho rằng: một người Kiêu ngạo khi cho mình là hơn, là nhất so với những người chung quanh hoặc những người trong nhóm của mình.

Theo Kinh thánh và truyền thống
Theo Cựu Ước, Kiêu ngạo có lẽ là tội xuất hiện sớm nhất trên trần gian này. Đã có môt thời gian dài Giáo hội dạy rằng:
Vì Adam đã phạm tội Kiêu ngạo – muốn bằng Đức Chúa Trời nên đã bị
Chúa trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh. (St 3:24).
Câu chuyện này gợi nhớ lại hình ảnh Luxiphe đã xách động một số thiên thần nổi loạn muốn chống lại Thiên Chúa. Khi tuyên bố một câu đầy thách thức:
Non serviam – tôi không phục tùng - làm nô lệ nữa. Tội kiêu ngạo của các Thiên thần.
Chúa sai Tổng lãnh Thiên thần Michael cầm gươm lửa dàn trận đánh đuổi bè lũ “Kiêu ngạo” xuống hỏa ngục!!!

Một chút suy tư
Nếu cho rằng vì Chúa không cho ăn Trái cấm mà cứ cố mà ăn, cùng lắm cũng chỉ đáng tội KHÔNG VÂNG LỜI mà thôi
Nếu cho rằng vì khi ăn Trái Cấm thì sẽ nên như những vị thần Biết Điều Thiện Điều Ác
Như thế tốt chứ sao..
Biết điều thiện để làm
Biết điều ác để tránh..
Nhưng người ta lại cắt nghĩa rằng: như vậy là KIÊU NGẠO – muốn bằng Đức Chúa Trời - vì chỉ một mình Chúa mới được quyền Biết Điều Thiện Điều Ác mà thôi.
Cắt nghĩa kiểu này nghe có vẻ chẳng ổn chút nào.
Bằng chứng: Hiện nay Giáo hội không ngừng khuyên nhủ giáo dân làm điều thiện, tránh điều ác .
Mà muốn thực hiện đúng như vậy, tất nhiên phải phân biệt để Biết Điều Thiện Điều Ác …
Như vậy hóa ra chúng ta không ngừng phạm tội mỗi ngày… y như nguyên tổ ngày xưa… chứ có khác gì đâu!!!
Nghe có vẻ khó chấp nhận nổi.!!!!

Vậy nên hiểu như thế nào?
Đây cũng chính là việc vạch mặt TÊN KIÊU NGẠO
Thực ra, nếu tính mỗi phút một lần thì chúng ta vô tình phạm tội kiêu ngạo mỗi ngày hơn 7 trăm lần.
Tại sao nhiều dữ vậy?
Giả sử ngủ nghỉ 12 tiếng, còn 12 tiếng thức vị chi là 720 phút. Như vậy suy ra chúng ta vô tình phạm tội kiêu ngạo mỗi ngày hơn 7 trăm lần.
Tôi là người phàm làm sao tôi dám phạm tội Kiêu ngạo bằng Đức Chúa trời??
Đúng là tôi không dám minh nhiên phất cờ khởi nghĩa làm cách mạng hạ bệ Đức Chúa Trời.
Nhưng thực tế thì mỗi lần tôi chỉ thấy “cái thằng tôi” đi, đứng, ngủ, nghỉ, nói năng, làm việc..mà chẳng thấy Chúa đâu trong cuộc đời của tôi..


Mỗi lần tôi sống như người máy.
Sáng mới mở mắt ra…
Tôi đã nhảy ra khỏi giường như người máy…chẳng thấy Chúa đâu = Kiêu ngạo.
Đánh răng, rửa mặt như người máy…chẳng thấy Chúa đâu = Kiêu ngạo.
Ăn sáng như người máy…chẳng thấy Chúa đâu = Kiêu ngạo.
Đi làm hoặc đi học như người máy…chẳng thấy Chúa đâu = Kiêu ngạo.
Ăn trưa như người máy…chẳng thấy Chúa đâu = Kiêu ngạo.
Về nhà như người máy…chẳng thấy Chúa đâu = Kiêu ngạo.
Ăn tối như người máy…chẳng thấy Chúa đâu = Kiêu ngạo.
Đi ngủ như người máy…chẳng thấy Chúa đâu = Kiêu ngạo.
Sáng ngày mai… lại tiếp tục kiếp người máy….cho đến suốt đời..
Thì đích thị lúc đó tôi đã vô tình gạt Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Coi Chúa chẳng được một kí lô nào…
Gioan tuyên xưng: Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi. (Ga 3:30)
Tôi lại sống như thể là: TÔI phải nổi bật lên, còn Chúa phải lu mờ đi.
Nói thẳng ra: tôi đã liên tục phạm tội Kiêu Ngạo từng phút, từng giờ…

Tóm lại
Việc quan trọng là phải thấy rõ – vạch mặt chỉ tên “thằng kiêu ngạo”
Dù vô tình kiêu ngạo như người máy – chẳng thấy Chúa đâu.
Dù cố tình kiêu ngạo khi tôi tìm mọi cách để làm nổi bật “cái thằng tôi”
- dẹp Chúa sang một bên, đẩy Chúa xuống dưới để “cái thằng tôi” nổi bật lên.
Thì chính lúc đó tên Kiêu ngạo mới bị vạch mặt.

Thế thì làm cách nào để triệt hạ “tên kiêu ngạo” khó chơi này??
Tôi không thể gồng mình cố gắng để hạ nó xuống bằng ý chí của con người.
Bởi vì tôi không thể dùng “thằng tôi” để trị “thằng tôi”.
Chỉ còn một cách đó là THAY THẾ
Thay vì cứ sống như NGƯỜI MÁY - …cóc cần Chúa = Kiêu ngạo.
Tôi tìm mọi cách để đón nhận Chúa vào lòng và tập sống với Ngài ngay trong đời sống thường ngày.
Có nhiều cách mà chúng tôi đã gởi gắm qua nhiều bài trong Mục NỀN TẢNG nơi trang web http://tamlinhvaodoi.net


Kính mời quý vị vui lòng thử ghé thăm một vài lần…
Một khi Ngài lớn lên thì “cái thằng tôi” sẽ tự động nhỏ đi.
Thế là tên Kiêu Ngạo sẽ không còn chỗ dung thân.
Nói cho oai vậy thôi.. đây là một cuộc chiến suốt cuộc đời bởi vì tập sống với Chúa không dễ dàng chút nào..
Khởi đầu rất vất vả…chỉ cần 3 tới 5 phút cũng đã là giỏi lắm rồi..
Sau đó, có thể từ 10 tới 15 phút…rồi có thể tới 30 phút
Cứ như thế “tên Kiêu ngạo” càng bị vạch mặt chỉ tên…càng yếu dần đi…
Lúc đó, ta mới có thể thực hiện được lời nhắn nhủ của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay:
Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.(Mt 11:29)

5 THÓI QUEN KHÔNG TỐT CHO SỨC KHẺO

5 thói quen có hại cho sức khỏe mà bạn không để ý
1Share
(Sinh Viên Đa Minh | 93 Lượt Xem)

(SVĐM) Tắm nước nóng, dùng xà phòng tắm, uống nước ngay sau khi đánh răng, ngủ hơn 8 giờ một ngày, nằm xuống ngay sau khi ăn... là những thói quen không tốt cho sức khỏe.

Thoáng nghe tưởng chừng những cách chăm sóc sức khỏe như trên hoàn toàn lành mạnh, song tạp chí asiaone.com trích nguồn từ nhiều báo nước ngoài, dẫn chứng vài khảo sát gần đây cùng ý kiến của các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên rằng, người ta nên bỏ những thói quen này nếu muốn có một sức khỏe tốt. Bản khảo sát này liệt kê ra 5 thói quen không tốt thường gặp sau:





1. Tắm nước nóng và dùng xà phòng:

Theo nghiên cứu, tắm nước nóng hàng ngày và dùng xà phòng rất có hại cho da. "Việc tắm rửa bằng nước nóng và xà phòng làm mất lớp dầu trên da, dẫn đến khô nứt da, thậm chí làm da nhiễm trùng", Tiến sĩ da liễu Nick Lowe (Đại học Y khoa, London, Anh) cho biết.

Vì thế các chuyên gia viện thẩm mỹ tại Austin khuyên nên tắm bằng nước mát (nước tự nhiên, không phải là nước nóng) sẽ giúp da đỡ khô hơn. Bên cạnh đó, nên dùng sữa tắm thay cho xà phòng vì sữa tắm vừa giữ ẩm tốt và làm da sạch hơn so với xà phòng.

2. Ngủ nhiều hơn 8 giờ một đêm:

Quan sát chu kỳ một giấc ngủ, các bác sĩ khẳng định để có một giấc ngủ sâu, mọi người chỉ cần từ 6 tiếng rưỡi đến 7 tiếng rưỡi mỗi đêm là đủ. Nếu ngủ ít hơn như thế tức là bạn đang bị thiếu ngủ, còn ngược lại việc ngủ quá 8 tiếng đồng hồ một đêm là dư, nó vừa khiến cơ thể mệt mỏi hơn vừa rút ngắn tuổi thọ.

Hiệp hội Ung thư Mỹ đã phân tích thói quen ngủ của hơn 1,1 triệu người tham gia chương trình nghiên cứu phòng ngừa ung thư. Nghiên cứu cho thấy những người ngủ hơn 8 tiếng mỗi ngày sẽ có "nguy cơ tử vong tăng lên đáng kể" so với người ngủ bình thường.

Vì thế, các nhà khoa học khuyến cáo, nếu ngủ nhiều hơn 8 giờ một ngày mà vẫn còn cảm giác mệt mỏi, thì bạn có thể đang bị triệu chứng rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như hội chứng ngừng thở khi ngủ hay chứng ngủ lịm.

Tóm lại, nên ngủ đủ giấc để bắt đầu một ngày mới sảng khoái. Cụ thể, đối với một người tuổi trung niên chỉ cần ngủ khoảng từ 6 giờ một đêm trở lên là ổn. Còn nếu bạn đang ở độ tuổi 20 mà ngủ 10 tiếng một ngày vẫn thấy không đủ, thì tốt nhất nên nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ.

3. Súc miệng hoặc uống nước ngay sau khi đánh răng:

"Súc miệng ngay sau khi đánh răng sẽ làm mất đi lượng florua vừa phủ lên mặt răng. Thật ra, không dùng nước súc miệng ngay sau khi đánh răng sẽ kéo dài thêm thời gian florua bảo vệ men răng", Nha sĩ kiêm tiến sĩ Phil Stemmer, trung tâm bảo vệ hơi thở thơm mát tại London nói.

Với kinh nghiệm của mình, Stemmer cho biết ông tránh uống các loại nước ít nhất nửa giờ sau khi đánh răng. Điều này được lý giải về mặt lý thuyết, florua trong kem đánh răng có thể cung cấp thêm một lớp khoáng bảo vệ răng (dù chỉ là tạm thời). Mà hiện nay hầu hết loại kem đánh răng trên thị trường đều chứa Florua. Vì vậy, tốt nhất sau khi đánh răng nên để lớp florua này lưu lại trên bề mặt răng càng lâu càng tốt.

4. Ngồi bệt trên bồn cầu cao khi đi vệ sinh:

Một điều đáng ngạc nhiên là ngồi bệt lâu khi đi vệ sinh không hề tốt cho sức khỏe. Bởi tư thế ngồi vừa khiến cơ thể bạn ở trong trạng thái căng thẳng vừa tăng nguy cơ bị trĩ và viêm ruột thừa.

"Ngồi xổm thực sự tốt cho sức khỏe hơn", nghiên cứu của những nhà khoa học tại Israel cho biết. Nghiên cứu cho thấy ngồi xổm (trên loại bồn cầu được thiết kế thấp) là tư thế tự nhiên và thoải mái hơn, thúc đẩy việc bài tiết nhanh và dễ dàng.

Cùng quan điểm này, một bác sĩ người Pháp chuyên về bệnh trực tràng, đại tràng và hậu môn cũng khuyên: "Tôi cho rằng không nên ngồi khi đi vệ sinh, tốt hơn là nên ngồi xổm."

Để kiểm chứng luận điểm này, phóng viên của tạp chí Slate đã thử ngồi xổm khi đi vệ sinh trong vòng một tuần và viết lại trên bài của mình. Ông này cho biết, chỉ mất một hoặc hai phút đi vệ sinh với tư thế ngồi xổm thay vì mất 10 phút như bình thường.

5. Thư giãn hoặc nằm ngay sau khi ăn tối:

Thư giãn hoặc nằm sau khi ăn tối có thể khiến bạn tăng cân. "Việc ăn uống hoặc không vận động vào buổi tối trước khi đi ngủ sẽ khiến tích tụ chất béo trong cơ thể", chuyên gia dinh dưỡng Claire MacEvilly nhìn nhận.

Ngoài ra, các nhà khoa học Anh cũng đưa ra kết luận trong một nghiên cứu, tập thể dục sau khi ăn có thể giúp giảm cân vì vận động làm tăng cường các hoóc môn giúp ức chế cảm giác thèm ăn.

Tuy nhiên, cần lưu ý không nên tập thể dục ngay sau khi ăn, mà tốt nhất nên tập sau bữa ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ. Bởi vận động mạnh khi vừa ăn no ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa và gây ra cảm giác khó chịu. Còn nếu thực sự muốn tập thể dục ngay sau khi ăn, bạn có thể đi bộ nhanh trong 20 phút, hoặc tản bộ nhẹ nhàng trong 30 phút.

martino

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

7 LÝ DO ĐỂ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH HÒA GIẢI

ĐGH Gioan-Phaolô II xưng tội hằng ngày, ngài nói: "Theo ơn gọi mà con người nhận từ Thiên Chúa, tìm sự thánh thiện sẽ là ảo tưởng nếu không thường xuyên tham dự Bí tích Hòa giải. Những người thường xuyên xưng tội với ước muốn tiến bộ sẽ thấy những bước dài trong đời sống tâm linh".

Đây là 7 lý do để thường xuyên xưng tội trong Mùa Chay Thánh (hằng tuần hoặc hai tuần một lần):

1. Sự tha tội là tặng phẩm Chúa Giêsu trao cho chúng ta.

Đức Kitô đã trao ban cho chúng ta Bí tích Hòa giải và muốn chúng ta tận hưởng hồng ân qua Bí tích này. Ngài nói với các linh mục tiên khởi, các Tông đồ: "Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha" (Ga 20:22). Chúa Kitô trao cho chúng ta Bí tích của Ân Sủng và Lòng Tha Thứ vì Ngài yêu thương tất cả chúng ta. Đó là Tặng phẩm của Lòng Thương Xót chứ không chỉ là nhiệm vụ.

2. Chúng ta đều là tội nhân.

Chúng ta đều là tội nhân, cần phải xét mình và sám hối để lãnh nhận ơn tha thứ. "Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta" (1 Ga 1:8). Chúng ta thường không chân thật với lòng mình và không dùng "thầy thuốc tâm hồn" để giúp chẩn đoán chúng ta về phương diện tâm linh. Nếu bạn đau ở tay hoặc ở lưng, bạn phải đi bác sĩ. Nếu bạn bị đau ở linh hồn qua việc phạm tội, sao bạn không đi chữa bệnh tâm linh – đi xưng tội?

3. Xưng tội là phương thế hồng ân.

Không nên sợ xưng tội. Xưng tội là bình an. Chúng ta vui mừng lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Bí tích Hôn phối, và Bí tích Truyền chức. Tại sao chúng ta không dùng phương kế xưng tội là cuộc chiến đấu vĩ đại nhất của người tin vào Đức Kitô? Tại sao chúng ta không vui mừng khi được Chúa Kitô tha thứ qua vị linh mục đại diện cho Thiên Chúa và giáo hội?

4. Người ta có thể phạm những tội dẫn đến cái chết.

Có những tội dẫn đến cái chết: "Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy; đó là nói về những ai phạm thứ tội không đưa đến cái chết. Có một thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy" (1 Ga 5:16). Tội dẫn đến cái chết và tách linh hồn chúng ta khỏi sự sống vĩnh hằng thuần khiết ở nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự ăn năn và sự tha thứ bảo toàn tâm hồn chúng ta ở trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Sự tha tội truyền ân sủng vào tâm hồn chúng ta và "phê chuẩn" sự sám hối của chúng ta.

5. Tội lỗi gây khó chịu.

Ma quỷ thường đè nặng chúng ta bằng tội lỗi. Tội lỗi có thể là điều tốt nếu chung ta chuyển tội lỗi thành lòng sám hối. Dĩ nhiên ma quỷ ghét điều này, nhưng Thiên Chúa và các thiên thần lại yêu thích điều đó. Do đó, hãy thoát ra khỏi tội lỗi và nghe linh mục nói: "Tôi tha tội cho bạn nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần".

6. Confession unites you more fully to the Church.

Khi bạn xưng tội, bạn nhận biết mình đã phạm tội chống lại Thiên Chúa, đồng thời chống lại những người khác, bạn đã làm suy yếu sự làm chứng của mỗi Kitô hữu. Vô tình bạn nói với những người không có niềm tin Kitô rằng: "Tất cả Kitô hữu đều giả nhân giả nghĩa" (All Christians are hypocrites). Khi bạn đi xưng tội, bạn nhận biết mình đã làm đau lòng các Kitô hữu bằng chính tội lỗi của mình. "Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung" (1 Cr 12:26). Linh mục đại diện Thiên Chúa và giáo hội nhờ Bí tích Truyền chức, linh mục nhận lời thú tội của bạn và bảo đảm ơn tha tội của Thiên Chúa và toàn thể giáo hội.

7. Rước lễ làm bạn mạnh mẽ hơn.

Khi bạn rước lễ, bạn lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô thật, Ngài là Đấng Cứu Độ. Khi bạn xưng tội và rước lễ, bạn được kết hợp với Chúa Kitô qua Bí tích Thánh Thể. Cũng vậy, nếu bạn sống trong tội, bạn sẽ KHÔNG BAO GIỜ được lãnh nhận Thánh Thể vì bạn sẽ phỉ báng Chúa Kitô và và đáng nguyền rủa đời đời! Do đó, xưng tội là chữa lành linh hồn và làm sâu lòng yêu mến Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.

DỄ VÀ KHÓ

DỄ VÀ KHÓ

Dễ là khi bạn có một chỗ trong sổ địa chỉ của một người, nhưng khó là khi bạn tìm được một chỗ trong trái tim của người đó.
Dễ là khi đánh giá lỗi lầm của người khác, nhưng khó là khi nhận ra sai lầm của chính mình.
Dễ là khi nói mà không suy nghĩ, nhưng khó là khi biết kiểm soát những lời nói của mình.
Dễ là khi làm tổn thương một người mà bạn yêu thương, nhưng khó là khi hàn gắn vết thương đó.
Dễ là khi tha thứ cho người khác, nhưng khó là khi làm cho người khác tha thứ cho mình.
Dễ là khi đặt ra các nguyên tắc, nhưng khó là khi làm theo chúng.
Dễ là khi nằm mơ hàng đêm, nhưng khó là khi chiến đấu vì một ước mơ.
Dễ là khi thể hiện chiến thắng, nhưng khó là khi nhìn nhận một thất bại.
Dễ là khi vấp phải một hòn đá và ngã, nhưng khó là khi đứng dậy và đi tiếp.
Dễ là khi hứa một điều với ai đó, nhưng khó là khi hoàn thành lời hứa đó.
Dễ là khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu thương, nhưng khó là khi làm cho người khác cảm thấy như thế hàng ngày.
Dễ là khi phê bình người khác, nhưng khó là khi cải thiện chính bản thân mình.
Dễ là khi để xảy ra sai lầm, nhưng khó là khi học từ những sai lầm đó.
Dễ là khi buồn bực vì một điều gì đó mất đi, nhưng khó là khi quan tâm đủ đến điều đó để đừng làm mất.
Dễ là khi nghĩ về một việc, nhưng khó là khi ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động.
Dễ là khi nghĩ xấu về người khác, nhưng khó là khi cho họ niềm tin.
Dễ là khi nhận, nhưng khó là khi cho.
Dễ là khi đọc những điều này, nhưng khó là khi bạn thực hiện nó.
Nếu cơ hội mãi không gõ cửa, bạn phải xem mình đã xây một cánh cửa chưa đã …..

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

PHÁT TRIỂN ƠN GỌI

Phát triển Ơn Gọi Truyền Giáo trong một giáo xứ
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn6/28/2011

Làm thế nào để phát triển ơn gọi truyền giáo trong một giáo xứ là mối bận tâm đang được đặt ra cho công cuộc loan báo Tin Mừng hôm nay. Việc phát triển này nói lên vai trò đặc biệt quan trọng của mỗi giáo xứ có ảnh hưởng sâu rộng đối với sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Do đó, giáo xứ trở thành hạt nhân cơ bản giúp phát triển ơn gọi truyền giáo cách hiệu quả và bền vững. Là thành viên của từng xứ họ nhất định, người Kitô hữu ngày càng ý thức thâm sâu hơn ơn gọi của mình nhờ việc khám phá và làm triển nở các giá trị Tin Mừng trong hoàn cảnh và môi trường sống đặc thù tại nơi mình đang sinh sống. Đây là yêu cầu cấp thiết đòi hỏi sự tâm huyết và khôn ngoan của các mục tử và cộng đồng tín hữu nói chung. Nhờ đó, tương quan Đức ái không chỉ biểu tỏ trong nội bộ từng giáo xứ nhất định mà còn hướng tới việc cố kết ngày càng khăng khít hơn với các cộng đồng lương dân trên cơ sở tôn trọng, đối thoại và hiệp nhất.

1. Giáo xứ, hạt nhân phát triển ơn gọi truyền giáo

Như đã đề cập, giáo xứ là hạt nhân cơ bản để phát triển ơn gọi truyền giáo. Mọi định hướng, chương trình cụ thể mang tính vĩ mô liên quan đến việc xúc tiến công cuộc truyền giáo nếu không được triển khai bước đầu từ mỗi giáo xứ thì e rằng khó có thể đạt được những kết quả khả quan. Do đó, giáo xứ trở thành địa bàn lý tưởng nhất để khơi dậy và phát triển ơn gọi truyền giáo vốn tiềm tàng và phong phú từ chính tâm hồn của mỗi Kitô hữu. Dù có những đặc thù, mỗi giáo xứ đều hội tụ những khả năng cần thiết nhằm thúc đẩy việc truyền giáo. Vấn đề là là làm sao để phát hiện và vận dụng những khả năng ấy. Trên thực tế, tại các giáo xứ ở Việt Nam nói chung, hướng phát triển này còn rất hạn chế do bị chi phối bởi những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta có thể nhận ra một thực trạng, đó là, hoạt động truyền giáo tại các giáo xứ chưa thoát ra khỏi những đường hướng truyền thống kém hiệu quả, còn mang tính hình thức và khép kín, nặng về số lượng… Yếu tố con người chưa được đề cao, nhất là ơn gọi truyền giáo chưa được khơi dậy cách đúng mức.

Để phát triển ơn gọi truyền giáo trong một giáo xứ, linh mục quản xứ và cộng đoàn tín hữu cần hoạch định một kế hoạch toàn diện, trong đó việc phát triển nhân bản và làm sáng tỏ gương mặt đích thực của Đức Kitô là sứ vụ căn yếu nhất. Phải làm sao tạo cho môi trường giáo xứ thành một cộng đồng sinh động, mang đậm bản sắc liên đới vị tha là giá trị nền tảng của Tin Mừng.

2. Định hướng phát triển

2.1. Gây ý thức ơn gọi truyền giáo

Đây là điều cần làm trước hết của người mục tử khi đến nhận lãnh nhiệm sở. Bởi mọi định hướng liên quan đến hoạt động truyền giáo sẽ không đạt hiệu quả mong muốn nếu không gây được ý thức về ơn gọi truyền giáo. Do đó, cha sở phải biết cách tạo lập nơi người giáo dân tinh thần xả kỷ, sẵn sàng tận hiến cho hoạt động tông đồ.

Gây ý thức ơn gọi truyền giáo được được thực hiện qua việc tác động cách toàn diện sâu rộng trên mọi sinh hoạt tâm linh và đời sống xã hội thường nhật của của người giáo dân, phải làm sao đưa họ “trở lại với Đức Kitô, cởi bỏ hết mọi ý thức hệ, mọi quan niệm thần học hoài nghi, cả chính mình, mà theo Đức Kitô trong sứ mệnh của Ngài: “Không thể mời gọi người khác trở lại nếu chính chúng ta không trở lại mỗi ngày” (Sứ mệnh…, 47) (Felipe Gómez, SJ, Truyền giáo học 1, Antôn & Đuốc sáng, tr. 173). Những tác động này luôn được đặt dưới ánh sáng Lời Chúa với Đức ái Kitô giáo làm kim chỉ nam cho mọi ý tưởng hướng tới sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Việc gây ý thức về ơn gọi truyền giáo là một tiến trình đầy khó khăn nhưng đó là bước chuẩn bị có tính quyết định đối với một giáo xứ trong sứ vụ truyền giáo nói chung.

2.2. Phát triển đội ngũ truyền giáo

Một khi đã gây được ý thức truyền giáo, hay nói cách khác đã tạo lập được “tinh thần truyền giáo” mạnh mẽ, giáo xứ sẽ gặp được lợi thế cho bước tiếp theo là phát triển đội ngũ truyền giáo. Có thể nói, ơn gọi truyền giáo tại mỗi giáo xứ có biểu hiện sinh động và bừng phát mạnh mẽ hay không cần phải kể đến đội ngũ truyền giáo tại giáo xứ ấy phát triển tới mức độ nào. Do đó, việc xây dựng đội ngũ truyền giáo là yêu cầu cấp thiết giúp cho hoạt động truyền giáo trong giáo xứ được phát triển có hệ thống trên nền tảng liên đới.

Đội ngũ truyền giáo được quy tụ trên cơ sở lòng tự nguyện của người giáo dân, làm sao cho họ ý thức được trách vụ cao cả khi quên mình dấn thân xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn truyền giáo năng động.

Cha xứ là người tiên phong trong đội ngũ truyền giáo của giáo xứ. Ngài là người chủ động hoạch định mọi chương trình liên quan đến việc phát triển ơn gọi truyền giáo trong giáo xứ, đồng thời nỗ lực tạo điều kiện cho hoạt động truyền giáo tại nhiệm sở của mình đạt hiệu quả nhất.

Hội đồng mục vụ, các ban - ngành, đoàn thể là những nòng cốt của đội ngũ truyền giáo trong một giáo xứ. Do đó, các đối tượng này được xây dựng, phát triển song song cả về lượng và chất. Về lượng: phải làm sao cho số thành viên tự nguyện tham gia các ban, ngành, hội đoàn ngày càng đông đảo, đủ mọi lửa tuổi, trình độ học vấn... Về chất: thành viên tham gia đội ngũ truyền giáo chính thức của giáo xứ phải là các đối tượng giàu nhiệt huyết tông đồ, biết dấn thân cho lợi ích chung của cộng đoàn giáo xứ và mọi người. Do đó, việc đào luyện “tinh thần truyền giáo” cho đội ngũ truyền giáo là mục tiêu quan trọng xuyên suốt hoạt động truyền giáo.

Cha xứ thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện về kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ truyền giáo của giáo xứ đã được thiết lập. Các lớp học này do chính cha xứ trực tiếp hướng dẫn hoặc do các chuyên gia có chuyên môn, kinh nghiệm về hoạt động đoàn thể Công giáo được mời đến chia sẻ.

Giáo xứ cần đầu tư và tạo những điều kiện cần thiết cho các hội đoàn có linh đạo truyền giáo dễ thích nghi với môi trường truyền giáo của giáo xứ như: Hội Têrêxa, Gia đình Khôi Bình, Gia đình Thánh Tâm, Hội Lêgiô...

Cha xứ thường xuyên tổ chức tĩnh tâm định kỳ cho các ban, ngành, đoàn thể vào các dịp quan trọng có liên quan đến những sự kiện truyền giáo của Giáo Hội: Ngày Quốc tế Truyền giáo, Ngày Quốc tế Bệnh nhân…Chủ đề tĩnh tâm cần tập trung nhắm tới ơn gọi truyền giáo, khích lệ và kêu mời các thành viên trong đội ngũ truyền giáo nòng cốt của giáo xứ hãy dấn thân bằng cả tâm huyết cho việc loan báo Tin Mừng. Cha xứ cần tận dụng các kỳ tĩnh tâm cho các hội đoàn để hâm nóng tinh thần truyền giáo, bầu khí liên đới trong hoạt động truyền giáo giữa các thành viên này, thúc đẩy và nâng đỡ họ vượt qua mọi khó khăn khi phải đối diện với lợi ích riêng tư của gia đình và của cộng đoàn.

Trong tương quan ơn gọi truyền giáo nói chung, cha xứ không ngừng nỗ lực kêu gọi, khích lệ về tinh thần, vật chất để nâng đỡ ơn gọi truyền giáo, đặc biệt là ơn gọi linh mục, tu sỹ nơi những người trẻ trong giáo xứ - Đây là những hạt mầm Đức tin sẽ triển nở và giúp cho mảnh đất truyền giáo tại mỗi giáo xứ ngày càng màu mỡ, phong phú và dồi dào hơn. Không chỉ trên tòa giảng, cha xứ nên thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ thân tình với các bạn trẻ trong giáo xứ về ơn gọi và thao thức loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Qua những buổi gặp gỡ này, cha xứ sẽ là người đồng hành cùng các em trong việc tháo gỡ những khúc mắc, khó khăn và tạo điều kiện cho các em được phát triển lý tưởng cao đẹp nơi mình, là trở thành tông đồ mẫu mực của Chúa Kitô, hết lòng phục vụ những người nghèo khổ nhất.

2.3. Phát triển ơn gọi truyền giáo trong giáo xứ qua đời sống thực tiễn

Để phát triển ơn gọi truyền giáo trong giáo xứ, ngoài các yếu tố đã nêu trên thì việc sống “tinh thần truyền giáo” qua đời sống thực tiễn là yêu cầu quan trọng nhất nhằm đem lại hiệu quả tích cực cho hoạt động truyền giáo của mỗi giáo xứ.

1. Chứng nhân sống niềm tin

Phát triển ơn gọi truyền giáo ở khía cạnh này được bắt đầu từ mỗi cá nhân và gia đình trong giáo xứ. Cha xứ, Hội đồng mục vụ giáo xứ, đội ngũ giáo lý viên tích cực chăm lo nuôi dưỡng đời sống Đức tin của của người giáo dân và định hướng cho họ sống tốt vai trò tông đồ qua những hoạt động thực tiễn thường ngày.

Kêu mời và tạo điều kiện cho mọi gia đình trong giáo xứ trở thành điểm sáng như những “Gia đình Nazareth nhỏ” biết tận tâm phục vụ lợi ích những người xung quanh. Quy tụ các bậc làm cha mẹ vào các hội đoàn của giáo xứ như Hội Giuse, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo…Thông qua các Hội này, cha xứ thường xuyên tiếp xúc, chia sẻ và thúc đẩy các hội viên hãy trở nên những mẫu mực tuyệt hảo cho con cái trong việc sống ơn gọi truyền giáo. Chính các bậc cha mẹ là những tông đồ giáo dân đắc lực khi tham gia các hoạt động truyền giáo của giáo xứ. Cha xứ cũng thường xuyên chia sẻ và gợi mở cho những người làm cha mẹ những đường hướng tâm linh giúp họ trở nên điển chứng Tin Mừng giữa “chợ đời”.

Các ban - ngành, đoàn thể của giáo xứ là những trung gian giữa cha xứ và các gia đình. Trong trường hợp gia đình nào xẩy ra bất hòa bất thuận nội bộ hay với những người lương dân thì cha xứ và các đại diện của các đoàn thể sẽ trực tiếp giải hòa và nối lại dây liên đới giữa các bên liên quan.

Thông qua các lớp giáo lý thuộc Khối Vào Đời và Tiền Hôn Nhân, cha xứ và các giáo lý viên cần gợi mở và tạo cho các học viên ý thức được vai trò chứng nhân của “phía” Công giáo khi được mời gọi “nên duyên” cùng người bạn đời không chung niềm tin với mình.

2. Chủ động đối thoại

Cha xứ và cộng đoàn giáo xứ chủ động trong việc đối thoại với bà con lương dân và những người theo các tôn giáo khác cùng sinh sống ngay trên địa bàn giáo xứ cũng như các cộng đồng phụ cận. Tinh thần truyền giáo chỉ có thể lan tỏa khi mỗi thành viên trong giáo xứ biết cởi mở, tôn trọng những khác biệt đối với anh chị em không cùng niềm tin với mình. Do đó, để có thể phát triển ơn gọi truyền giáo, cha xứ và Hội đồng mục vụ giáo xứ cần định ra những hình thức đối thoại nhằm củng cố và siết chặt tình liên đới giữa cộng đoàn của mình với các cộng đồng xung quanh.

Tôn trọng những khác biệt: cha xứ thường xuyên nhắc nhở bà con giáo dân không nên có thái độ thành kiến trước những dị biệt trong văn hóa ứng xử của bà con lương dân xung quanh, nhưng thấy được giá trị nhân văn ẩn tàng trong lối sống, cách sống của họ. Tuyệt đối tránh những cuộc cãi cọ, tranh luận vô bổ về quan điểm tín ngưỡng, tôn giáo hay hệ tư tưởng giữa những người có đạo với những người lương dân.

3. Nhịp cầu tâm giao

Những định hướng trên chỉ có thể trở thành hiện thực khi cộng đoàn giáo xứ biết chủ động bắc những “nhịp cầu tâm giao”. Nhịp cầu này được khởi phát từ con tim đã thấm nhuần Đức ái Kitô giáo, biết chia sẻ yêu thương với hết mọi người.

Để nhịp cầu tâm giao được thông suốt, mọi thành viên trong xứ cần xóa bỏ mọi dị nghị, ác cảm với anh chị em lương dân xung quanh. Cha xứ và những người hữu trách của giáo xứ là những người đi bước trước để khai thông những bế tắc làm cản trở tình thân hữu giáo lương.

Về giao thông: phối hợp làm những trục lộ chung giữa hai làng giáo – lương nhằm tạo thuận lợi cho việc giao lưu gặp gỡ được dễ dàng, thuận tiện.

Về giải trí: giáo xứ nên tổ chức các sân chơi chung: sân bóng chuyền, bóng đá…, và tạo điều kiện đón tiếp bà con, nhất là các bạn trẻ từ các làng lương lân cận đến cùng giao hữu thường xuyên tại các sân chơi này. Tùy điều kiện cho phép, các sân chơi có thể đặt tại một địa điểm nhất định trên địa bàn giáo xứ, tốt nhất là gần nhà thờ xứ .

Về giáo dục: giáo xứ mở các lớp học phụ đạo về văn hóa tại trường giáo lý của giáo xứ và cho các em học sinh lương dân đến tham dự các lớp học này. Các em không chỉ được nâng cao về trình độ văn hóa mà còn có cơ hội tiếp xúc để hiểu biết nhau hơn.

Vào các dịp đại lễ như Noel, Tết Nguyên đán…, các gia đình, nhất là các bạn trẻ trong giáo xứ tổ chức mời các gia đình nhất là các bạn trẻ lương dân đến tham dự các chương trình canh thức, họp mặt đầu xuân và dự tiệc vui thân mật. Nếu được, giáo xứ nên cho phép bạn bè lương dân được tham gia các tiết mục hoạt cảnh, ca hát giàu tính nhân văn và chia sẻ những cảm nghiệm riêng tư liên quan đến đời sống tâm linh và triết lý nhân sinh.

Để nhịp cầu tâm giao ngày càng bền vững hơn, giáo xứ cần tổ chức các nhóm tình nguyện viên, các đội cứu trợ của giáo xứ thường xuyên tham gia các hoạt động thăm hỏi, cứu trợ các gia đình, cá nhân tại các làng lương bị đau nặng, gặp tai ương, hoạn nạn.

4. Hoạt động từ thiện – bác ái

Để phát triển ơn gọi truyền giáo trong giáo xứ, việc xúc tiến và đẩy mạnh hoạt động từ thiện – bác ái được coi là đòi hỏi đặc biệt cần thiết cho hành vi “sống đức tin” trong sứ vụ truyền giáo. Do vậy, giáo xứ cần phải đặt hoạt động từ thiện – bác ái làm tiêu chí hàng đầu cho thành công của hoạt động truyền giáo.

Muốn hoạt động từ thiện bác ái thành công, giáo xứ cần có chương trình đào luyện “tinh thần truyền giáo” cho đội ngũ truyền giáo như đã nêu trên. Đội ngũ này không chỉ năng động trong công tác mà luôn chứng tỏ được phẩm tính của người môn đệ Chúa Kitô, biết quên mình vì hạnh phúc của người khác.

Thành lập Quỹ bác ái: kêu gọi mọi người trong giáo xứ hãy bỏ những “đồng xu bà góa nghèo” vào quỹ bác ái của giáo xứ với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Quỹ này do Ban Bác Ái – Caritas nắm giữ.

Kêu gọi các gia đình khá giả, các nhà hảo tâm trong giáo xứ nâng đỡ cách đặc biệt cho những gia đình, cá nhân đang lâm vào hoàn cảnh quá bi đát do nghèo túng, bệnh tật.

Hoạt động từ thiện – bác ái được mở rộng đến các đối tượng không phân biệt lương giáo: các gia đình nghèo, người đau ốm, neo đơn, học sinh nghèo vượt khó…

Các ban – ngành, đoàn thể của giáo xứ, đặc biệt là Ban Bác Ái lập danh sách cụ thể các đối tượng giáo dân cũng như lương dân cần được quan tâm thăm hỏi, chăm sóc, cưu mang trong điều kiện có thể. Đối với những người già yếu neo đơn, giáo xứ nên cắt cử hoặc mời gọi những người thiện nguyện trong cộng đoàn đến chăm sóc, lo lắng thuốc men và các nhu cầu cần thiết khác cho họ. Giáo xứ có thể xây sẵn vài ba căn hộ nhỏ trên vùng đất thuộc giáo xứ và ưu tiên mời những người neo đơn không có nhà cửa đến ở tại căn hộ này. Đối với những trường hợp gặp rủi ro, hoạn nạn, mất mát về tinh thần, các ban ngành, đoàn thể của giáo xứ đến động viên, khích lệ và nâng đỡ họ bằng tinh thần hay vật chất, giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Khi có người trong giáo xứ hay bà con lương dân sống trên địa bàn giáo xứ và những vùng phụ cận qua đời, cha xứ và các ban ngành đoàn thể kịp thời đến phân ưu, cầu nguyện, giúp đỡ tang quyến.

Công tác từ thiện – bác ái của giáo xứ không đơn thuần chú trọng việc trao ban vật chất, mà còn hơn thế nữa, các thành viên trong giáo xứ khi tham gia hoạt động này được hướng tới việc biểu tỏ gương mặt đích thực của Đức Kitô biết “chạnh lòng thương” những ai bé mọn, yếu đuối, bần cùng.

5. Cùng tham gia hoạt động công ích và phát triển nhân bản

Cha xứ và các ban ngành đoàn thể phát động, cổ vũ bà con giáo dân cùng với anh chị em lương dân tham gia các hoạt động công ích: bảo vệ môi trường, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng các công trình phúc lợi chung nhằm phục vụ đồng thời cho cả bà con giáo dân và lương dân đang sinh sống trên địa bàn giáo xứ. Chúa nhật hàng tuần, cha xứ kêu gọi các em trong Hội Têrêxa, Hội Thiếu Nhi Thánh Thể cùng với các bạn trẻ lương dân tham gia thu gom rác thải và làm vệ sinh các trục đường công cộng…

Trên tinh thần cùng nhau xây dựng, phát triển, mọi thành viên trong giáo xứ có trách nhiệm liên đới với cộng đồng lương dân và những những người theo tôn giáo khác trong những vấn đề có liên quan đến phẩm giá và quyền lợi chính đáng của con người.

Giáo xứ kêu mời và phát động các bạn trẻ trong giáo xứ tham gia các nhóm bảo vệ sự sống của giáo xứ, giáo phận hay liên giáo phận. Cha xứ thường xuyên tổ chức các cuộc nói chuyện với các bạn trẻ về tác hại của phá thai theo nhãn quan luân lý; khích lệ và tạo điều kiện cho họ trở nên chứng nhân đắc lực bảo vệ sự sống, bảo vệ các quyền căn bản của con người.

Phát triển ơn gọi truyền giáo trong giáo xứ là yêu cầu cấp thiết cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Vấn đề này đòi hỏi sự nỗ lực và dấn thân cao độ của mọi thành phần dân Chúa tại mỗi giáo xứ nhất định. “Tinh thần truyền giáo” không chỉ biểu tỏ và giới hạn trong các nhóm, các hoạt động mang tính hình thức nhỏ lẻ. Trên hết, ơn gọi truyền giáo là một hồng ân và được khởi đi từ chính con tim tràn đầy yêu thương của Đức Kitô. Do vậy, để giáo xứ thực sự trở thành điểm sáng của đời sống chứng nhân Tin Mừng, các tín hữu được mời gọi bước theo Đức Kitô trên hành trình thứ tha, chia sẻ, nhất là biết chấp nhận những thiệt thòi, để qua đó, mọi người nhận ra cộng đoàn Đức tin sinh động đang hiện tỏ giữa lòng thế giới hôm nay.

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

CHÚA BA NGÔI: TGM NGÔ QUANG KIỆT

THIÊN CHÚA TÌNH YÊU

Một bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?” Tôi trả lời: “Bạn quả là có con mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa. Trái lại đạo Công Giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể. Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.

Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Không yêu thương thì chẳng việc gì phải đi tìm. Đi tìm tức là có quan tâm. Xa vắng thì nhớ. Thấy khổ vì thương. Vì thương, vì yêu nên phải cất bước đi tìm.

Không phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau khổ. Thực ra Thiên Chúa đã yêu thương con người từ trước, từ khi chưa có con người. Vì Thiên Chúa là tình yêu thương.

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi. Vì yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh. Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh. Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh.

Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đạt đến mức tuyệt hảo. Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có, nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một”. Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh. Việc hiến dâng này ta thấy rõ trong thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu”. Và Người đã vì Chúa Cha mà hiến mạng sống.

Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân mình. Cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp. Nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời tình yêu hạnh phúc. Nhưng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu cả sinh linh vạn vật. Ba Ngôi là một lò lửa tình yêu. Lò lửa tinh luyện tình yêu càng ngày càng phong phú, là nguồn mạch của mọi tình yêu trên đời.

Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời. Trái lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là khuôn mẫu ta phải noi theo, là cùng đích ta phải đạt tới.

Ta ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói nhân loại là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta”. Thiên Chúa là tình yêu. Con người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương. Cây cỏ không có trái tim biết yêu thương. Cầm thú không có khả năng yêu thương. Chỉ có con người mới có khả năng yêu thương vì con người giống Thiên Chúa.

Nhưng tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét. Vì thế con người còn phải thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú. Càng yêu thương con người càng nên giống Thiên Chúa. Càng quảng đại con người càng gần với trái tim Thiên Chúa. Càng quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa.

Được sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng tình yêu. Như thế con người mới sống trọn định mệnh đời mình. Như thế con người mới đạt được cùng đích đời mình là sống hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, là sự sống sung mãn, là thiên đàng hạnh phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của Chúa. Xin cho con biết sống tình yêu hy sinh theo gương Chúa Giêsu Kitô, để con được kết hợp với Chúa, sống chan hoà hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ

1. Thiên Chúa là tình yêu. Bạn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa thế nào?
2. Bạn có là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa chưa?
3. Bạn làm gì để sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

GIÁO LÝ VIÊN SÀI GÒN VÀ MỸ THO HỘI TỤ TẠI ĐẤT THÁNH BA GIỒNG

Giáo lý viên giáo phận Saigòn và Mỹ tho tại thánh địa Ba Giồng
19/6/2011

MỸ THO - Ngày 18/06/2011, tại khuôn viên thánh địa hành hương Ba Giồng giáo phận Mỹ Tho, đã diễn ra buổi tĩnh tâm giao lưu giữa hơn 130 anh chị em giáo ly viên thuộc giáo phận Sài Gòn và khoảng 50 anh chị em giáo ly viên thuộc giáo phận Mỹ Tho. Đây là buổi tĩnh tâm lần đầu được tổ chức chung dành cho giáo lý viên cả hai giáo phận vốn đã có truyền thống sẽ chia, gắn kết lâu dài.

Đúng 8 giờ 30 sáng, đoàn hành hương tĩnh tâm giáo phận Sài Gòn đã có mặt ở nhà thờ giáo xứ Ba Giồng. Tại lễ đài khang trang kính Thánh tử đạo Phêrô Nguyễn Văn Lựu cùng 27 vị khác, các anh chị giáo lý viên hai giáo phận được gặp gỡ làm quen và lắng nghe cha Tổng Đại Diện Phao lô Trần Kỳ Minh giáo phận Mỹ Tho trình bày về lịch sử hình thành đầy thử thách khốc liệt của giáo xứ Ba Giồng cùng với những gương các Thánh can trường tử vì đạo để Ba Giồng có diện mạo mới đầy ân sủng như hôm nay.

Tiếp đến, các anh chị được hướng dẫn đi thăm viếng mộ các Thánh tử đạo, với tấm lòng biết ơn và kính mến, mỗi anh chị giáo lý viên đã dâng lên các Thánh một nén hương thơm cùng bao suy tư của lòng mình trước mẫu gương trung thành theo Chúa đến hơi thở cuối cùng của các vị, và nguyện xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu nâng đỡ tất cả là thế hệ nối tiếp của các Ngài trong đời sống đức tin và lòng mến Chúa.

Sau đó, mỗi người có khoảng thời gian riêng để tĩnh tâm trong thinh lặng, để lắng nghe tiếng Chúa nói trong lòng mình, lắng nghe những bảo ban, những yêu thương và những xoa dịu Chúa dành cho trái tim mỗi người sau những chuỗi ngày ngụp lặn trong cuộc sống trần gian đầy khó khăn trắc trở.

Kết thúc giờ tĩnh tâm, các anh chị ngồi lại với nhau và chia sẻ về những gì Chúa khơi lên trong tâm hồn mỗi người để tất cả được thông phần hiệp nhất với nhau trong tình yêu Chúa. Vào khoảng thời gian ăn trưa do Mục Vụ Giới Trẻ tiếp đãi là lúc các anh chị giao lưu, với nhau khiến bầu khí ngày hành hương tĩnh tâm thêm vui tươi thân mật.

14 giờ 30 cùng ngày, các anh chị được lắng nghe trao đổi, chia sẻ về những thắc mắc, suy tư trong đời sống cũng như đường hướng mục vụ của người giáo lý viên. Qua những phút giây ấy, mọi người đều hiểu rằng để người giáo lý viên muốn trở nên hình ảnh phản chiếu liên lỉ sống động của Chúa giữa đời thì không có cách nào khác hơn là phải biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trong mọi lời giảng và hành động của mình. Có như thế Lời Chúa mới lớn mạnh bền vững trong lòng người đón nhận.

Cuối ngày là Thánh lễ sốt sắng cầu nguyện cho tất cả các giáo lý viên được các cha đặc trách Ban Giáo Lý của cả hai giáo phận cử hành như lời tạ ơn dâng lên Chúa vì Người đã thương ban cho một ngày tĩnh tâm hành hương thật tốt đẹp mang lại nhiều ơn ích cho tinh thần lẫn thể chất. Sau đó mọi người chia tay nhau trong tình quyến luyến và hy vọng hẹn gặp lại nhau trong ngày không xa.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

LỜI CHÚA: LẤY CÁI XÀ RA KHỎI MẮT (Thứ 2 tuần 12 TN)

Lấy xà ra khỏi mắt (20.6.2011 – Thứ hai Tuần 12 Thường niên)



Lời Chúa: Mt 7, 1-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”

Suy niệm:
Mỗi ngày chúng ta đưa ra biết bao nhận xét về người khác.
Thầy cô phải nhận xét về học trò, cấp trên phải nhận xét về thuộc hạ.
Việc lượng giá về từng cá nhân thường rất cần thiết và hữu ích.
Trong đời sống tu trì, vẫn có chuyện anh em sửa lỗi cho nhau.
Nói chung, sống thì phải đưa ra những phán đoán về người khác.
Nhưng làm sao để phán đoán ấy không trở nên một xét đoán lệch lạc?
Đức Giêsu dạy ta biết cách xét đoán qua bài Tin Mừng hôm nay.
“Anh em đừng xét đoán”: thật ra Đức Giêsu không cấm mọi thứ xét đoán.
Ngài còn dạy các môn đệ biết cách phân biệt ngôn sứ giả và thật (Mt 7,15),
phân biệt người xứng đáng và người không xứng đáng (Mt 10, 11),
biết cách đề phòng thói xấu của nhóm Xađốc và Pharisêu (Mt 16, 6).
Đức Giêsu chỉ đòi các tín hữu sống trong cộng đoàn huynh đệ
phải tránh lối xét đoán thiếu bao dung, khắc nghiệt,
mà quên chính mình cũng có những lỗi lầm lớn hơn nhiều.
“Anh em xét đoán thế nào, thì cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (c. 2).
Ngài muốn ta nhẹ tay và nhân từ khi cần phải xét đoán người anh em.
Vì cái đấu ta dùng để đong cho họ, Thiên Chúa sẽ dùng để đong cho ta.
Đấu đong đi càng lớn, đấu đong lại càng đầy.
Chỉ cần thay đổi cái đấu ta vẫn quen dùng, là cuộc đời của ta thay đổi.
Đức Giêsu dùng một hình ảnh liên quan đến nghề mộc của Ngài,
để nói về chuyện người đạo đức giả.
Đó là hình ảnh bụi mùn cưa trong mắt người khác và cái xà trong mắt mình.
Một cái thì thật bé, một cái thì to đến độ khó lòng ở trong mắt được.
Hình ảnh phóng đại này hẳn làm ai cũng phải buồn cười.
Tôi thấy lỗi bé nơi anh em, nhưng lại không để ý tới lỗi lớn nơi tôi.
Tôi hăng hái xin được lấy hạt bụi ra khỏi mắt anh em,
nhưng lại rất khoan dung với cái xà trong mắt mình.
Đức Giêsu hóm hỉnh khuyên chúng ta nên lấy xà ra khỏi mắt trước đã,
rồi mới thấy tỏ tường để lấy hạt bụi mùn cưa khỏi mắt anh em.
Điều khó vẫn là thấy được cái xà trong mắt mình.
Lẽ ra tôi phải thấy ngay vì nó quá lộ liễu, ai cũng thấy.
Nhưng nó khó thấy, vì tôi không muốn thấy cái xấu của mình.
Càng có quyền, có chức, có uy tín, có tuổi tác và kinh nghiệm,
càng khó chấp nhận nếp nhăn nơi khuôn mặt mình.
Giá mà tôi thấy được cái xà nơi mắt tôi,
chắc tôi đã không dám đòi lấy hạt bụi nơi mắt người khác,
hay nếu có được ai nhờ lấy đi nữa,
thì cũng chỉ lấy một cách khiêm hạ, nhẹ nhàng.
Trong bài hát “Chúa Hòa Bình” của Phạm Duy có câu:
“Nếu có ai lầm lỡ, rồi sinh ra khắt khe…”
Chỉ mong chúng ta, nhờ thấy mình lầm lỡ và đã được Chúa thứ tha,
nên sinh ra dễ cảm thông với lỗi lầm người khác.
Cầu nguyện:

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

LỜI CHÚA: THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN (CHÚA NHẬT 12 TN_ LẾ CHÚA BA NGÔI)

THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN (19.6.2011 – Lễ Chúa Ba Ngôi)


Lời Chúa: Ga 3, 16-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói cùng ông Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”.
Suy niệm:
Có một điều thường khiến các bạn trẻ băn khoăn,
đó là làm sao nhận ra một tình yêu chân thực,
làm sao không bị chóa mắt bởi những ảo ảnh,
không bị lừa dối bởi những ngọt ngào, để rồi vỡ mộng.
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta một số tiêu chuẩn,
khi mời ta nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa.
Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao:
“Thiên Chúa đã yêu thế gian
đến nỗi đã trao ban Con Một của Người...”
Không phải chỉ là trao một quà tặng,
hay một cái gì ở ngoài mình,
nhưng là trao đi một điều thiết thân và quý báu.
Điều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha
là người Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô.
Khi trao cho chúng ta Đấng bị treo trên thập giá,
Thiên Chúa đã trao cho ta chính bản thân Ngài.
Ngài chấp nhận Con Ngài phải chết
để nhân loại được sống.
Tình yêu chân thực chẳng hề biết giữ lại cho mình.
Tình yêu chân thực là tình yêu chia sẻ,
tình yêu mong hạnh phúc cho người mình yêu :
“... để bất cứ ai tin vào Người Con ấy
thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
Sự sống muôn đời đã bắt đầu từ đời này.
Được sống là được đưa vào thế giới thần linh,
được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thiên Chúa không muốn cho ai phải trầm luân.
Nếu có ai hư mất hay bị luận phạt
thì không phải là vì Thiên Chúa độc ác,
nhưng chỉ vì Ngài tôn trọng tự do con người.
Con người có thể tin hay từ chối,
mở ra hay khép lại trước sự sống được trao ban.
Thánh Gioan đã dám định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu.
Một Tình Yêu chia sẻ chan hòa giữa Ba Ngôi:
Cha trao tất cả cho con, Con dâng tất cả cho Cha.
Thánh Thần là sự thông hiệp giữa Cha và Con.
Một Tình Yêu tràn ngập cả vũ trụ:
Thiên Chúa là Tình Yêu sáng tạo
khi Ngài dựng nên con người theo hình ảnh Ngài ;
Ngài là Tình Yêu cứu độ
khi Ngài muốn thứ tha cho ta qua Đức Giêsu ;
Ngài là Tình Yêu thánh hóa
khi Ngài muốn ban cho ta sức sống mới trong Thánh Thần.
Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa
nếu chúng ta xa lạ với tình yêu.
“Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8).
Ai không ở lại trong tình yêu
thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa (x. 1 Ga 4,16).
Ước gì đời ta được tưới gội bởi Tình yêu,
để mọi việc chúng ta làm
đều bắt nguồn từ Tình yêu và quy hướng về Tình yêu.
Ước gì chúng ta làm chứng về Thiên Chúa Tình yêu
bằng một đời sống hiến trao và chia sẻ.
Cầu nguyện:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.

LỜI CHÚA: NGƯỜI SẼ CHO THÊM (Thứ 7 tuần 11 TN)

Người sẽ thêm cho (18.6.2011 – Thứ bảy Tuần 11 Thường niên



Lời Chúa: Mt 6, 24-34

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”

Suy niệm:
Chế độ nô lệ tưởng như đã không còn trên thế giới.
Nhưng ngày nay người ta vẫn nói đến những hình thức nô lệ mới.
Nước nghèo mất chủ quyền, chịu nô lệ cho nước giàu,
các phụ nữ trở nên nạn nhân của nô lệ tình dục,
trẻ em nô lệ cho chơi game, thanh niên nô lệ cho ma túy.
Xem ra khó tránh được chuyện bị làm nô lệ,
giữa một thế giới đề cao tự do và giải phóng.
Khi không muốn làm nô lệ cho ai,
con người lại trở nên nô lệ cho cái tôi ích kỷ.
Khi không chấp nhận lệ thuộc Đấng Tạo Hóa cao vời,
con người lại trở nên nô lệ cho các thụ tạo do mình tạo ra.
Đức Giêsu đặt chúng ta trước một chọn lựa.
“Anh em không thể đồng thời làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được.”
Nếu có hai chủ thì thế nào cũng yêu mến người này hơn người kia.
Giữa Thiên Chúa và Tiền Của, tôi sẽ gắn bó với ai hơn, tôi sẽ chọn ai?
Tôi không thể giả vờ thỏa hiệp để chọn cả hai, để được cả hai.
Thần Tài hứa hẹn cho tôi sự an toàn và hạnh phúc giả tạo,
còn Thiên Chúa hứa cho tôi hạnh phúc đích thực, vững bền.
Chỉ khi đặt Thiên Chúa lên trên mọi sự, tôi mới thật sự tự do.
Có sáu động từ lo trong bài Tin Mừng trên đây.
Đức Giêsu nhiều lần khuyên các môn đệ đừng lo (cc. 25. 31. 34).
Nhưng làm người ai lại không lo về ngày mai, trừ phi là trẻ thơ?
Trên thế giới bao người vẫn phải vật vã từng ngày với cơm ăn, nước uống?
Con người có thể sống vô tư như chim trời không
khi chim trời ngày nay cũng bị đe dọa không nơi trú ẩn?
Chúng ta cần hiểu cho đúng chữ lo của Đức Giêsu.
Ngài không dạy chúng ta sống vô trách nhiệm, phó mặc hay lười biếng.
Cái lo mà ta nên tránh là cái lo âu, lo sợ của người kém lòng tin (c. 30),
không tin rằng Thiên Chúa quý con người hơn mọi thụ tạo khác.
hơn giống chim trời, hơn hoa ngoài đồng nội.
Lo âu đó chi phối quá khiến người ta cứ loay hoay, bối rối tự hỏi:
ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? (c. 31).
Lo âu này khiến người ta bất an và sợ hãi, vì là lo âu một mình,
quên rằng mình có Người Cha biết rõ những nhu cầu thiết yếu (c. 32),
và sẵn sàng lo cho mình những điều cần dùng (c. 33).
Lo âu này cũng khiến người ta tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu của mình
hơn là ưu tiên tìm kiếm xây dựng Nước Thiên Chúa (c. 33).
Kitô hữu không phải là người ngây thơ, sống không lo ngày mai.
Kitô hữu là người biết lo liệu, lo toan cho cuộc sống của họ.
Nhưng họ không căng thẳng vì phải bơ vơ lo một mình.
Họ lo như một người con trưởng thành, cùng lo với Thiên Chúa Cha.
Họ lo một cách thư thái nhẹ nhàng như loài chim buổi sớm đi tìm thức ăn.
Kitô hữu nắm được chìa khóa của hạnh phúc, của no đủ và bình an.
Đó là cứ tìm kiếm Thiên Chúa trước tiên, mọi sự khác sẽ được ban dư dật.
Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người - cũng như con -
đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.

Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.

Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

VẠ TUYỆT THÔNG VÀ PHÁ THAI

Vạ Tuyệt Thông và việc phá thai

Kính gửi Cha Bùi Đức Tiến,

Thưa Cha để ngắn gọn, con xin được cha giải đáp vài thắc mắc cho con trên báo Dân Chúa. Con xin cám ơn cha trước.

Trong mấy số báo trước, cha có viết, ai phạm tội phá thai thì bị rút phép thông công. Nếu muốn lấy lại, thì phải trải qua một số thủ tục nào đó.

Vậy con thắc mắc:

1. Đại đa số chúng con khi phạm tội, đều không biết là khi mình phạm vào tội nào đó, thì sẽ bị rút phép thông công. Mà quí cha vẫn dạy, để được kể là tội, thì phải hội đủ ba điều kiện: việc đó là tội trọng, hiểu biết rõ ràng, (cùng hậu quả của nó ...) và hoàn toàn ưng thuận. Chúng con yếu đuối lỗi phạm, thì chỉ nghĩ sẽ sa hỏa ngục nếu chưa kịp ăn năn, xưng tội. Chứ không hề biết là mình bị “thêm” một án khác: bị rút phép thông công. Cho nên chúng con chỉ đi xưng tội thôi. Xin Cha cho biết, nếu chết thì án rút phép thông công sẽ ra sao?

2. Cách đây vài chục năm, hồi còn trẻ ở Việt Nam, con và cô bạn gái của con đã phạm tội và nàng đã có thai. Cô tỏ ý quyết định phá thai. Con đồng ý. Sau đó, con đi xưng tội “đồng lõa” này. Nhưng quí cha giải tội không đề cập gì đến việc bị rút phép thông công. Cho nên con nghĩ Chúa nhân từ đã tha cho con. Vậy con còn mắc nợ gì với tội xưa này không?

Cuối cùng, xin chúc cha an mạnh hồn xác, và đầy ơn khôn ngoan để hướng dẫn chúng con.

Con, MHK, NSW





Đáp:
Thăm anh MKH,

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây về Vạ tuyệt thông: (Excommunicatio) là một biện pháp chế tài Giáo Hội áp đặt trên các tín hữu sau một hay nhiều hành vi vi phạm nặng nề luật lệ của Giáo Hội. Vạ Tuyệt thông trục xuất người bị án ra khỏi cộng đồng dân Chúa và không cho phép họ được tham dự, cử hành hay lãnh nhận một số các Bí tích. Vì Vạ Tuyệt thông không phải là Thiên luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (luật của Giáo Hội), nên Vạ không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa họ và Thiên Chúa. Tuy nhiên, khó mà tưởng tượng được rằng một người bị Giáo Hội ra vạ tuyệt thông, không còn là một thành phần của Dân Chúa nữa mà vẫn còn nhận được ân sủng từ Thiên Chúa.

Vạ Tuyệt thông được chia ra làm hai loại: Vạ Tuyệt thông tiền kết (Latae sententiae) và Vạ Tuyệt thông hậu kết (Ferendae sententiae).

(a) Vạ tiền kết: là Vạ đã được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo Hội phải công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết.

(b) Vạ hậu kết: là Vạ đã được ấn định cho một số tội. Sau khi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo Hội công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn 2 loại vi phạm bị chế tài Vạ hậu kết.

Bộ Giáo Luật hiện hành điều 1398 qui định: “Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết (Latae sententiae)”. Việc không hề biết là mình lỗi luật không làm cho luật mất giá trị, có nghĩa là dù không biết, luật vẫn buộc. Sau khi luật ban hành, giả thiết là mọi người đều phải biết.

Theo như thắc mắc “nếu chết thì án rút phép thông công sẽ ra sao”. Dĩ nhiên, nếu có luật buộc thì phải có luật gỡ. Giáo luật điều 1355,2 qui định: “Hình phạt tiền kết do luật ấn định ... , nếu không dành riêng cho Tòa Thánh, thì có thể được Bản Quyền tha cho những người thuộc quyền mình và cho những người đang ở trong lãnh thổ mình hay đã phạm tội tại đó; tất cả các Giám Mục đều có thể tha chúng, nhưng chỉ trong chính lúc ban Bí tích Giải tội.”

Như thế, vạ tuyệt thông chỉ được tha do Đức Giám Mục giáo phận hay do linh mục nào Đức Giám Mục ấy ủy quyền. Giáo luật điều 1357,1 qui định: “Đừng kể những gì đã quy định ở các điều 508* và 976**, cha giải tội có quyền tha ở tòa trong, lúc ban bí tích, vạ tuyệt thông tiền kết hay cấm chế chưa tuyên bố, nếu hối nhân khổ sở vì phải thường xuyên ở trong tình trạng tội nặng suốt thời gian cần thiết để Bề Trên có thẩm quyền định liệu.”

(*) điều 508: Kinh sĩ xá giải hoặc tại nhà thờ chính tòa hoặc tại nhà thờ hợp đoàn, chiếu theo chức vụ, có quyền thông thường để giải trong tòa bí tích các vạ “tiền kết” chưa tuyên bố và không dành riêng cho Tòa Thánh; quyền này không thể được ủy nhiệm, nhưng có thể hành sử đối với những người trong giáo phận tuy không là thuộc dân của giáo phận, và đối với cả những người thuộc dân của giáo phận nhưng ở ngoài lãnh thổ của giáo phận. Ở đâu không có Hội Kinh sĩ, thì Giám Mục giáo phận sẽ đặt một tư tế để giữ nhiệm vụ đó.

(**) điều 976: Bất cứ tư tế nào, dù không có năng quyền giải tội, vẫn xá hết các tội và vạ cách hữu hiệu và hợp pháp cho mọi hối nhân trong lúc nguy tử ...

Về câu chuyện của anh hồi năm xưa như anh kể thì theo tôi, anh đã bị vạ. Việc anh viết rằng cha giải tội không đề cập đến chuyện vạ sau khi nghe anh nói, tôi có thể suy diễn rằng có thể anh trình bày không rõ, hay anh trình bày rõ mà cha giải tội nghe không rõ, hay một lý do nào đó khác.

Cũng nên biết rằng tùy theo từng giáo phận khác nhau, có nơi Đức Giám Mục ủy quyền cho một vài linh mục giải vạ, có nơi Đức Giám Mục ủy quyền giải vạ cho tất cả các cha trong giáo phận, và cũng có nơi Đức Giám Mục không ủy quyền cho ai cả, chỉ mình ngài có quyền giải vạ mà thôi. Tuy nhiên trong trường hợp nguy tử, như điều 976 ở trên, bất cứ linh mục nào cũng có quyền giải tất cả các vạ, trừ một trường hợp duy nhất dành riêng cho Đức Giáo Hoàng là việc một linh mục lập gia đình.

Trong trường hợp của anh, tôi đề nghị là anh nên gặp một linh mục trình bày với ngài qua Tòa Giải tội để xin ý kiến. Chúc anh luôn bình an.



Ngưòi phụ trách:
Lm. Bùi Đức Tiến

MỘT VỤ "HÔI CỦA" QUÁ VÔ CẢM

Một vụ “hôi của” quá vô cảm
16/06/11 11:41 PM

Bấy lâu nay, chúng tôi đã nhiều lần báo động về tình trạng đạo đức xuống cấp, lối sống vô cảm của một bộ phận không nhỏ trong xã hội Việt Nam. Nhưng, vô cảm như câu chuyện dưới đây thì quả thật không còn gì để nói.

Có lẽ, đã tới lúc, mỗi người công giáo Việt Nam hãy bắt đầu việc canh tân Giáo hội và xã hội bằng việc quan tâm tới những người đau khổ nhiều hơn và qua hành động bác ái của mình, tích cực lên tiếng bảo vệ cho những người bất hạnh, không vô cảm, vô tâm, nhưng hết lòng quan tâm tới mọi người.

15 giờ chiều 16-6, một người đàn ông đi xe máy đến đoạn vòng xoay ngã năm An Dương Vương (đoạn giao nhau của các đường An Dương Vương – Trần Phú – Sư Vạn Hạnh thuộc phường 8 và 9, quận 5, TP.HCM) thì bị hai tên cướp đi xe máy từ phía sau giật giỏ xách.

Nhờ nhanh trí, người đàn ông này giữ chặt giỏ xách của mình nên hai tên cướp không giật được phải đành tẩu thoát.

Nhưng vì sự giằng co quá mạnh nên giỏ xách của người đàn ông bị rách toạc và số tiền để trong giỏ bị bay ra đường.

Lợi dụng tình cảnh lúng túng của người đàn ông, những người đi xe máy gần đó cùng một số người dân trong khu vực xảy ra vụ cướp đã ào ra giữa đường lượm mất số tiền bị rơi ra trước ánh mắt thẫn thờ và bất lực của người đàn ông bị nạn.










Chỉ trong vòng chưa tới hai phút, số tiền của người đàn ông ấy đã bay vào túi của những người “hôi của” quá vô tâm và đi mất. Không biết những người lượm tiền có biết đó là tiền của người đàn ông đó hay không, hay là nghĩ đó là tiền… từ trên trời rơi xuống?
Sự việc trên đã gây ra một quang cảnh rất hỗn loạn và nguy hiểm ngay giữa lòng đường An Dương Vương với số lượng người tham gia “hôi của” ước tính hơn 30 người.

Một người tài xế lái taxi chứng kiến cảnh “hôi của” trên đã ngao ngán: “Người ta bị nạn không giúp đỡ thì thôi chứ sao lại tranh nhau cướp tiền của họ như vậy. Quá vô cảm!”.

Lê Nguyên Trường Giang

Nguồn: tuoitre.vn

LỜI CHÚA: KHO TÀNG Ở ĐÂU, TIM Ở ĐÓ

Kho tàng ở đâu, tim ở đó (17.6.2011 – Thứ sáu Tuần 11 Thường niên)




Lời Chúa: Mt 6, 19-23

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì tim anh ở đó. Ðèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!”


Suy niệm:
Cuộc sống con người ở đời thật mong manh và bấp bênh.
Vì thế con người muốn tìm cho mình một cái gì chắc chắn.
Của cải vật chất hứa hẹn cho con người một chỗ dựa an toàn.
Càng có nhiều của cải thì càng vững:
nhiều người đã thành thật tin như vậy
nên đã suốt đời lo tích trữ một kho tàng trên trần gian.
Thầy Giêsu không tin như thế.
Đối với Thầy, kho tàng dưới đất cũng mong manh và bấp bênh.
Thời xưa mối mọt là kẻ thù đáng sợ của nhiều thứ tài sản (G 4, 19).
Nhà cửa, đồ đạc đều có thể làm mồi cho chúng.
Thật ra vật chất tự nó đã mang mầm mống hư hoại rồi.
Hơn nữa, sự đe dọa không chỉ đến từ bên trong.
Kẻ trộm là nguy hiểm có thực đối với những căn nhà thời ấy.
Hắn có thể đào ngạch, khoét vách làm bằng bùn,
để lấy đi những của cải thường được chôn dấu dưới đất (c. 19).
Kho tàng dưới đất quả là không bền.
Thầy Giêsu đề nghị chúng ta tích trữ một cách khôn ngoan hơn,
tích trữ một kho tàng gì đó mà mối mọt không đục khoét được
và kẻ trộm không sao ăn cắp được.
Đó là thứ kho tàng trên trời được tích trữ qua bao việc lành,
những việc ta làm theo ý Thiên Chúa.
Có một sự khác biệt lớn giữa kho tàng trên trời và kho tàng dưới đất.
Tích trữ kho tàng dưới đất khiến ta cậy dựa vào của cải đời này.
Tích trữ kho tàng trên trời đòi ta hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa.
Kho tàng ở đâu thì tim anh ở đó (c. 21).
Kho tàng trên trời sẽ nâng tim anh lên trời cao.
Kho tàng dưới đất sẽ kéo tim anh xuống đất thấp.
Trái tim là nơi sâu thẳm của tâm linh con người.
Chính vì thế thi thoảng cần kiểm tra xem tim mình đang ở đâu,
kho tàng nào đang khiến mình gắn bó.
Chúng ta phải ngừng theo đuổi những kho tàng mau qua
để gắn bó với những giá trị thực sự bền vững.
Con người thời nay cũng phải sống trong sự bấp bênh triền miên.
Càng tiến bộ kỹ thuật lại càng có nhiều bất ổn, bất trắc,
nên đời sống vẫn không vì thế mà được thư thái bình an.
Nhiều người đã cảm được sự phù du của vật chất và tiếng tăm.
Tiền bạc và quyền lực như nước trôi qua kẽ tay, chẳng ai nắm được.
Thầy Giêsu mời chúng ta đổi mới cái nhìn.
Đừng nhìn bằng mắt xấu, nghĩa là bằng cặp mắt thèm muốn, tham lam.
Hãy nhìn bằng mắt tốt, nghĩa là bằng cặp mắt siêu thoát, quảng đại.
Cái nhìn bằng mắt tốt sẽ đem lại ánh sáng cho toàn thân (c. 22).
Cái nhìn bằng mắt xấu sẽ gây ra bóng tối kinh khủng (c. 23).
Con mắt là ngọn đèn cho thân thể.
Ước gì con mắt tôi biết thấy Chúa là kho tàng đích thực của mình.
Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

TẠI SAO LẠI LÀ CON CHÚA ƠI

Tại sao Chúa lại chọn con?

Mỗi người có một cảm nhận riêng về ơn gọi của mình, ơn gọi này chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi sự, cho mọi người. Ở đây tôi chỉ bàn đến ơn gọi dấn thân theo Chúa cách đặc biệt trong đời tu (đời sống dâng hiến) mà thôi. Dẫu biết rõ con người bạn chẳng có tài gì đặc biệt, chẳng có khiếu gì trong lãnh vực hùng biện, cũng như các lãnh vực khác liên quan đến sứ vụ sau này thế mà Chúa đã mời gọi bạn theo Ngài. Ngài cũng không cưỡng ép cũng như Ngài chẳng bắt buộc bạn phải dấn thân nhưng Ngài đang chờ đợi nơi bạn sự đáp trả. Bạn có thể nói "không". Vì có quá nhiều lí do để biện hộ cho câu trả lời đó: Có thể là thời gian chưa chín muồi, hoặc có thể là chưa thích hợp, và thậm chí có thể là Chúa đã chọn nhầm người để thi hành sứ vụ đặc biệt này. Và có lẽ bạn đang hỏi Chúa: tại sao Chúa lại chọn con?

Tại sao không? Chẳng lẽ bạn không có một tài năng nào được Chúa bạn tặng hay sao? Hay là bạn có quá nhiều tài năng nên nếu như theo Chúa thì tài năng của mình bị giới hạn? Hoặc là chẳng lẽ bạn biết được bạn có thể dâng hiến những gì sao? Bạn có bao giờ nghĩ rằng, nếu Chúa đã khước từ bạn thì liệu có thể Ngài còn mời gọi bạn dấn thân theo Ngài không? Thiên Chúa có lí do của Ngài khi mời gọi bạn. Có thể chương trình của Chúa với bạn đến nay chưa thực sự rõ ràng nhưng tôi chắc chắn với bạn một điều là chính Ngài đã khơi lên trong lòng bạn con đường này, và bạn cũng đã bước đi trên con đường đó. Các tông đồ xưa theo Chúa vì lí do gì? Chắc hẳn bạn cũng biết?! Các ngài cũng rất tầm thường, rất con người trong những giai đoạn đầu theo Chúa. Nhưng dầu sao đi nữa thì các ngài chỉ biết rằng là, mình được "gọi" và với tâm tình đơn sơ, lòng nhiệt thành các ngài đã đáp lại lời mời gọi ấy. Các ngài đã đi trọn

con đường của mình theo thánh ý Chúa, tuy là con đường đó có rất nhiều chông gai, nhiều trở ngại nhiều lúc tưởng chừng như các ngài đã bị những khó khăn đánh gục nhưng với ơn Chúa các ngài đã vượt qua tất cả để về đích. Cũng vậy bạn đã cố gắng thế nào? Bạn đã sử dụng ơn Chúa ban ra sao? Bạn có dùng nó để phục vụ cho tha nhân hay là bạn đã dùng nó với ý riêng mình? Có lẽ bạn đã dùng ơn Chúa chưa theo như ý Chúa muốn khi Ngài ban những ơn đó cho bạn. Có lẽ Chúa đang cần nơi bạn một sự phó thác hoàn toàn trong sự tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Lòng tín thác đó nó như một cơn gió thoảng làm cho lòng bạn nhẹ nhàng hơn. Và cơn gió đó bạn biết nó có, nhưng bạn không thể nhìn thấy nó, mà bạn chỉ có thể cảm nhận, và bạn sẽ cảm nhận được nếu như bạn ngưng cuộc sống ồn ào của bạn lại một vài giây, và bạn cố gắng tập trung chú ý một chút, thì bạn sẽ biết được ý Chúa muốn bạn lúc này phải làm gì.

Giả như bạn khước từ lời mời gọi của Chúa thì sao? Theo tôi thì cũng chẳng vấn đề gì. Có thể biết đâu trước đó là chỉ là một cuộc trắc nghiệm. Biết đâu Ngài chỉ muốn bạn sống thử đời sống dấn thân xem bạn có thể chấp nhận được thử thách của Người không? Và cũng có thể Chúa biết điều đó là cần thiết cho cuộc sống của bạn hay nói cách khác thì đó là điều tốt cho cuộc sống sau này của bạn. Giả như Ngài muốn thử xem bạn có hiểu và sử dụng các ơn Chúa Thánh Thần cách hiệu quả không nhất là ơn sức mạnh thì một quyết định như thế phần nào nó cũng nói lên được nơi bạn là đã phải có can đảm, xác tín, ơn thánh và đặc biệt là cầu nguyện rồi. Nếu đã là như vậy thì không có gì để nói, và bạn cũng không có gì phải sợ là mình sẽ phải hối tiếc.

Có lẽ sự dấn thân này không có gì để đảm bảo cho cuộc sống của bạn?! Vậy, có phải bạn đang cần có sự đảm bảo nào đó cho sự dấn thân của mình? Nếu trong một thế giới hoàn hảo thì việc bạn đòi hỏi một đảm bảo nào đó cho một sự dấn thân nào đó của bạn thì đó là điều chính đáng, không có gì để nói. Nhưng đây thực tế thì không phải thế, nó chỉ là một thế giới đầy dẫy những bất trắc. Nên việc đòi có một đảm bảo cho sự dấn thân của mình thì thật là không may vì nó không phải là một thế giới toàn hảo. Và có lẽ là vì vậy mà Chúa muốn bạn dấn thân cho những gì là tốt đẹp nhất theo như sự cảm nhận của bạn khi đã có sự cầu nguyện để tham khảo ý của Ngài một cách kỹ lưỡng rồi. Nếu như bạn thực sự đã làm như vậy một cách nghiêm túc thì bạn không có gì phải lo lắng. Tuy vậy nghĩ kỹ lại thì bạn có thực sự muốn nói "không" với Đấng đã gọi bạn và vì bạn mà Đấng ấy đã hiến đi mạng sống của mình không? Người vẫn đợi chờ và hy vọng bạn sẽ nghe theo lời mời gọi của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn bạn. Người vẫn hy vọng tình yêu của Ngài dành cho bạn sẽ thúc bách bạn để bạn biết chia sẻ tình yêu đó cho mọi người chung quanh và nhất là Ngài hy vọng bạn không phải hối tiếc về sự trả lời của bạn.

Nhưng dù thế nào đi nữa thì lời mời gọi ấy cũng vẫn xoáy vào tâm hồn bạn. Có thể là bạn có nhiều lí do để biện minh cho lựa chọn của mình nhưng bạn quá biết là mình đang làm gì và sử dụng ơn Chúa ban cho mình thế nào. Nhưng có lẽ bạn không biết được bạn đã cố gắng hay không. Điều này thì bạn không thể biết được, tôi dám chắc điều đó. Tất cả đều dựa trên niềm tin của ta vào Chúa. Ngài sẽ giúp bạn, sẽ ban cho bạn đủ sức mạnh để bạn đương đầu với nghịch cảnh. Hãy tin rằng Ngài sẽ ban cho bạn những ơn thánh cần thiết vào những thời điểm cần thiết vì Ngài đã nói "ơn Ta đủ cho con" và Ngài không bao giờ thử thách quá sức chịu đựng của bạn

ĐỜI TU: TÌNH BẠN VÀ TÌNH YÊU

Tình bạn và tình yêu trong đời tu


Ý nghĩa đời tu

Có lẽ điều liên tưởng đầu tiên của những người ngoài đời về các vị đi tu là những người không lập gia đình, những người sống độc thân. Tuy nhiên, liên tưởng này không phải ai cũng hiểu được một cách thấu đáo, đặc biệt những người không phải là Kitô giáo. Chính vì nhẽ đó, mà có những người không phải Kitô giáo, khi gặp các vị linh mục, tu sĩ, thường hỏi: vậy đi tu có được lấy vợ không? Hoặc có kẻ không biết ác ý hay vô tình không biết còn hỏi: vậy đi tu có lấy được các soeur không! Thật là quá đáng và quá đáng!

Vậy đi tu là gì? Và tại sao đi tu lại phải sống độc thân? Nhiều người trả lời rằng, đó là dựa theo những lời khuyên của Tin mừng, dựa vào những đặc tính đã có từ lâu trong lịch sử. Chọn đời sống độc thân là vì tình yêu củ Đức Kitô. Trước tiên, có lẽ khỏi nói, từ bậc cao nhất đến hàng rốt chót, cũng biết đi tu là dâng mình cho Chúa. Nói như vậy cũng đúng nhưng xem ra chưa đủ. Ngắn gọn đó nhưng chưa mang tính chiến đấu cao. Bởi vì nếu như vậy sẽ có kẻ vặn lại ai cũng có thể dâng mình cho Chúa "mà lị". Họ sẽ phùng mang trợn mắt, nói văng cả nước miếng mà thuyết cho chúng ta rằng: một mức độ nào đó, bất cứ ai khi lãnh nhận bí tích Thanh tẩy cũng được xem là dâng mình cho Chúa rồi. Điều này là bởi vì, nhờ tác động mầu nhiệm và thầm kín của Chúa Thánh Thần, qua lời cam kết từ bỏ ma quỷ và mọi sự quyến rũ, thụ nhân chịu phép Thanh tẩy đã được thánh hiến cách riêng cho Chúa. Với lập luận cứng như "đinh đóng cọc" này, họ sẽ cho rằng cần cóc gì phải đi tu nữa, dĩ nhiên và ngang nhiên là không cần đến việc sống độc thân. Cho nên họ việc lập gia đình và sống đúng vai trò của con người và người con của Chúa là dâng mình cho Chúa cách trọn vẹn. Được lợi cả hai: vừa được cả đời này (vợ đẹp con ngoan) lẫn đời sau.

Điều này hoàn toàn đúng, không sai một chút nào. Nhưng còn một sự thánh hiến thứ hai dành đặc biệt cho một số người mà được Chúa tuyển chọn cách riêng. Thánh hiến trong bậc tu trì. Cuộc thánh hiến này làm cho họ thuộc về Chúa một cách quyết liệt hơn. Thật vậy, trong khi lời hứa của phép Thanh tẩy nhằm từ bỏ ma quỷ và quyến rũ của nó, thì lời khấn hứa của các tu sĩ trong dòng tuyên bố mình thuộc về Chúa cũng như tuyên bố công khai Chúa là chủ nhân tuyệt đối đời mình. Qua ba lời khấn, tu sĩ sẽ bằng lòng một cách tự nguyện từ bỏ chiếm hữu và sử dụng tài sản, giữ luật độc thân và khước từ mọi nhục cảm và tùy thuộc vào bề trên dòng. Nếu qua chịu phép Thanh tẩy ghi dấu ấn đặc biệt trên thụ nhân để làm họ thành dân riêng của Chúa, lời khấn dòng cũng phân hạng cho tu sĩ, biến họ thành những người được thánh hiến trong Hội thánh. Con đường này thật thánh thiện nhưng những người đi trên con đường này có thực sự thánh thiện lại là một chuyện khác. Họ tuy được thánh hiến đặc biệt nhưng vẫn là những con người với những bất toàn của phận người và sống giữa những người đời trong cuộc đời trần thế. Ở trong đời mà lại không thuộc về đời. Theo như nhà thần học Congar nói về đời tu trong thời đại mới: "ở đời mà lại ít thuộc về đời".

Để hiểu rõ hơn chúng ta đọc đoạn văn sau đây: "Do phép rửa, tín hữu chết cho tội lỗi và được hiến dâng cho Chúa, Nhưng muốn lãnh nhận ơn ích dồi dào, họ phải dùng lời tuyên hứa trong Hội thánh mà thực thi các lời khuyên của Tin Mừng để gỡ mình ra khỏi những ràng buộc, ngăn trở có thể làm cho họ chậm bước trên đường mến yêu thờ phượng Chúa cách hoàn hảo. Nhờ những lời khấn này, họ hiến thân phục vụ Chúa cách mật thiết hơn. Sự dâng hiến này càng trở nên hoàn hảo khi càng được lời khấn bảo đảm." (LG 51)

Như vậy, qua đây chúng ta thấy sự hiến thân trong bậc tu trì và khi chịu bí tích Thanh tẩy cũng là một. Tuy nhiên, hình thức hiến thân trong bậc tu trì thì theo con đường chặt chẽ hơn để đi tới Chúa. Một trong ba yếu tố giúp cho việc theo Chúa chặt chẽ hơn là sống độc thân. Lý do có thể là các tu sĩ hoàn toàn tự do muốn hiến thân trực tiếp cho việc phục vụ và phụng thờ Thiên Chúa.

Tình bạn và tình yêu

Việc nói tới tình bạn và tình yêu trong đời tu hay cụ thể hơn là trong đời sống độc thân xem ra hơi khó và phức tạp. Thật vậy, cũng chính vì tình bạn và và tình yêu trong đời sống độc thân mà đã khiến bao nhiêu người "trần ai khoai củ" mới vượt qua được để đứng vững trong đời tu. Cũng chính vì tình bạn và tình yêu trong đời sống độc thân mà khiến bao nhiêu tu sĩ không muốn tu hoặc không tu được nữa. Tuy nhiên, thiết nghĩ và dám chắc chắn rằng với những người sống đời sống độc thân trong bậc tu trì một cách trọn vẹn thì vẫn có thể có những tình bạn, tình thân và thậm chí tình yêu một cách tốt đẹp và đáng được trân trọng. Cho nên việc quan trọng và thiết yếu là có một thái độ và giữ mối quan hệ như thế nào cho phù hợp về tình bạn và tình yêu trong đời tu. Như đã nói ở trên, một trong những điều liên tưởng đầu tiên mà cũng gây tò mò cho bao người, về những người tu sĩ là không lập gia đình, sống đời sống độc thân. Độc thân nhưng không có nghĩa là đơn độc. Độc thân nhưng không phải là sống một mình. Người ta thường hát "không ai là một hòn". Đúng vậy, con người là sống vì, sống cho và sống với mọi người. Đời tu, cũng vậy, cần phải sống vì, sống cho và sống với mọi người. Chính vì lẽ đó, những người tu sĩ cũng cần có tình bạn, thậm chí cả tình yêu trong đời sống độc thân. Cái quan trọng là khái niệm và biên độ của tình yêu và tình bạn của những người tu sĩ tới đâu là đủ. Có những tu sĩ, đặc biệt là các soeur, rất ư là "nhát đòn" trong khái niệm về tình bạn và tình yêu trong đời tu. Thật vậy, một số người vẫn nghĩ rằng hễ có một tình bạn hơi sâu xa một chút là đã vi phạm lời khấn khiết tịnh rồi. Theo họ việc trao hiến con tim cho Chúa thì cho đến chết chỉ một mình họ biết con tim đó, ngoài Chúa ra. Thái độ của những người theo lập trường này là sợ gắn bó với ai, sợ gắn bó để có một tình bạn, e dè đón nhận những cách bày tỏ tình thân một cách trong sáng, không hàm hồ. Đó cũng là thánh thiện, là một tu sĩ thánh thiện nhưng không vui. Một tu sĩ buồn là một tu sĩ đáng buồn! Một tu sĩ đích thực là cần phải hội đủ hai điều kiện: đi tìm Chúa và đem Chúa đến cho mọi người. Như vậy, người tu sĩ là những người đầu tiên giới thiệu Chúa cho những người khác. Họ là những người đầu tiên tình nguyện đón nhận và giới thiệu tình yêu Thiên Chúa. Giới thiệu một Thiên Chúa yêu thương trong sự thân ái, thiện cảm và vui vẻ. Có thể nói sứ mạng của người tu sĩ gieo rắc thiện cảm và niềm vui, sau đó gặt hái về trong tâm tình của những tâm hồn biết yêu và được yêu.

Trái lại với thái độ "nhát đòn" là thái độ quá "lì đòn" trong tình bạn và tình yêu trong đời sống độc thân. Quan niệm này có thể là do không biết hoặc chưa ý thức đủ về ý nghĩa của đời sống độc thân và những mối nguy hại của tình bạn và tình yêu trong đời sống dâng hiến. Tuy người tu sĩ sống đời sống độc thân nhưng, nhìn vào thực tế, chúng ta thấy có một số tu sĩ không đơn độc. Họ có rất nhiều con linh thiêng, cả những người ngoài đời lẫn những người trong nhà tu. Không phải nói quá, nhưng có những cha, thầy đi đâu cũng có những người con, cháu, anh, chị, em... kết nghĩa, tinh thần. Cũng vậy, có những souer gặp đâu cũng kêu bố, ông nội,... mà nếu tính đời linh tông đôi khi bắn đại bác cả ngày cũng chưa tới! Âu cũng là con người với những thu hút lẫn nhau và khác dấu hút mạnh hơn. Một thực tế, nếu chúng ta để ý, hình như các cha thầy có nhiều ông nội, ông ngoại,... linh tông, nhưng các soeur thì chỉ có ông nội, bố chứ không có ông bà ngoại, mẹ linh tông! Với nhiều tình thân trong mối dây linh tông như vậy sẽ khó mà có được tình bạn và tình yêu trong sáng trong đời sống dâng hiến. Dẫu biết rằng, họ luôn ý thức đó là linh thiêng, nhưng với một người đã thưa với Chúa "con chỉ muốn yêu mình Ngài thôi" mà lại có quá nhiều mối tình thân như vậy thì sao có thể còn chỗ cho tình yêu của Thiên Chúa triển nở nơi mình? Thay vào đó là những "tình bạn đặc biệt', những "linh tông bí mật". Chính những mối tình thân quá khép kín và đặc biệt này gây ra những dị nghị và cản trở cho việc phát triển trong cộng đoàn tu trì của họ. Kết quả là không ít những tu sĩ rơi vào tình trạng "khởi sự nhờ Thần khí, nhưng kết thúc bằng xác thịt". Thế mới có chuyện kể rằng: người mẹ, trước kia cũng là người đã từng đi tu, thấy con gái mình có mối quan hệ rất thân thiết với một ông thầy. Đi đâu ông thầy và cô con gái cũng đi chung. Thấy điều bất ổn như vậy, với kinh nghiệm của mình đã từng trải qua, bà mẹ nói với con gái: "Con nên cẩn thận và ý tứ trong việc tiếp xúc với ông thầy nhé!" Cô con gái đáp: "Mẹ cứ an tâm đi, chúng con là anh em kết nghĩa mà lị". Bà mẹ nói: "Tiên sư bố mày, hồi xưa tao cũng vì anh em kết nghĩa nên giờ tao mới khổ như vậy nè!".

Tình bạn và thậm chí tình yêu trong đời sống dâng hiến là không thể không có. Vì dù sao Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa và đôi khi Người có vẻ như ở xa chúng ta quá... Cho nên việc có những mối tình thân của những người tu sĩ là hết sức cần thiết và bình thường. Một người bạn thân có thể là một người, khác phái hay cùng phái, đang làm chung với ta hay ta thường gặp thường xuyên. Một người bạn thân có thể là một người mà ta cảm thấy có điều gì ràng buộc, dù không biết tại sao, vì có một thiện cảm trong sáng sâu sắc mà khó có thể phai nhòa được. Cho dù có xa cách, người đó vẫn là một điều gì đó thật quý báu với ta. Thật vậy, Thiên Chúa luôn muốn những người tận hiến cho Người, nếu cần, vẫn có thể tìm cho mình một người bạn nào đó để đem lại một tình yêu vô hình thành hữu hình.

...một quả tim bằng thịt

"Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt" (Ed 11, 19).

Thật vậy, Thiên Chúa đã gỡ bỏ con người quả tim gỗ đá và thay vào một quả tim bằng thịt, có lẽ Người cũng muốn con người biết yêu như Người, như người đã yêu Con của Người, bằng một quả tim nhân loại, một quả tim biết rung động và đau đớn. Cho nên, nếu lý tưởng của sự độc thân là vô cảm thì có lẽ đó không phải là sự độc thân của Kitô giáo. Vì thế, khó khăn của con đường độc thân là chúng ta vẫn phải có một trái tim thật cởi mở, có thể yêu thương một cách trong sáng không hàm hồ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể bước vào con đường này một cách trong sáng và tốt đẹp. Nếu không đủ khôn ngoan, sáng suốt và khéo léo thì những mối quan hệ này sẽ gây ra thất vọng và có thể đưa tới ngõ cụt. Dĩ nhiên một tình bạn trong sáng trong đời sống độc thân là một điều người tu sĩ nào cũng mong muốn có. Nhưng điều nên nhớ là làm sao cho tình bạn triển nở trong sự tự do hoàn toàn giữa người này với người kia. Tránh đi những tình bạn quá nghiêng về cảm giác, từ đó dễ dành chỗ quá lớn cho nhu cầu cần đến nhau và những khát vọng. Là một con người với những nhu cầu bình thường, nếu đôi khi xác thịt bị những khát vọng dày vò, thì đó là chuyện bình thường, nhưng lúc đó không được phép nhượng bộ hay trì hoãn. Tình bạn chân thật trong đời sống độc thân có thể trao nhau với tất cả sự sáng suốt, không có hậu ý để minh chứng cho sự kết hợp vô hình giữa Người với những kẻ được Người yêu thương. Một sự kết hợp như vậy được thực hiện với sự liên kết của Thiên Chúa, giữa ta với Người. Cũng nhờ đó, tình bạn chân thật trong đời sống dâng hiến sẽ tìm thấy Chúa ở nơi sâu xa tới mức không có gì có thể cản trở tình yêu của họ đối với Thiên Chúa được.

Tạm kết

Nếu đặt câu hỏi tại sao có những tu sĩ nam nữ từ khước hôn nhân? Câu trả lời, với những người Kitô giáo, là "Vì Người, vì Đức Kitô". Làm sao có được chuyện ấy? Có hay không cũng vẫn không quan trọng nhưng đó vẫn là sự thật. Tuy nhiên, những người ngoài cuộc vẫn tò mò và đôi khi cảm thấy thương tiếc cho những người tu sĩ vì không có người yêu bên cạnh. Nhưng những người tu sĩ có thể nói như thánh Gioan rằng: tôi đã tin vào tình yêu của bạn thì bạn hãy tin rằng cả tôi nữa, tôi cũng biết thế nào là tình yêu chứ. Chính vì tình yêu vào Đức Kitô mà người phụ nữ khước từ anh thanh niên hấp dẫn, cương nghị và nồng nàn. Cũng chính vì tình yêu vào Đức Kitô mà chàng thanh niên từ khước cô thiếu nữ đang yêu, thông minh, hiền hòa và dễ thương. Tất cả vì tình yêu và để phục vụ và phụng vụ Thiên Chúa mà những người tu sĩ đã chọn đời sống độc thân.

Tuy nhiên, độc thân không bao hàm là có một lối sống đơn độc lẻ loi. Họ vẫn có những nhu cầu tình cảm, chia sẻ tình cảm của mình cho người khác và ngược lại. Đó là tình bạn trong đời sống độc thân. Một mối tình thân trong sáng và không hàm hồ. Đó là con đường thánh thiện mà người tu sĩ nào cũng phải đạt tới. Nhưng trên thực tế không phải tu sĩ nam nữ nào cũng cũng có thể có một tình bạn, một tình thân trong sáng, không hậu ý trong đời sống độc thân. Đúng vậy, với quả tim bằng xương thịt, không ít lần người tu sĩ bị những cảm giác và nhục dục lôi kéo theo những tình cảm mà tự nó cản trở cho đời sống độc thân. Cần phải có một thái độ triệt để trong lãnh vực này. Triệt để không có nghĩa là sẽ không bị thử thách, sẽ không bao giờ bị sa ngã và yếu đuối, sẽ không một tình cảm nào đó để lấp vào khoảng trống cần đáp trả yêu thương và được yêu vì hình như lúc này Thiên Chúa quá xa... Nhưng dù có vấp ngã, dù có sa ngã ta vẫn tiến lên phía trước như một người vẫn kiên vững trong quyết định của mình, cho dù thực tế vẫn còn bao yếu đuối.

TÂM TÌNH GỞI CÁC EM RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU GX VĂN CÔI_TGP SÀI GÒN

Gửi các em lớp xưng tội rước lễ lần đầu


Và thế là các con đã lớn khôn
Đã chuẩn bị được rước Mình Thánh Chúa
Vườn địa đàng xưa dấu buồn tàn úa
Nay sống dậy thật rồi bởi nhờ ơn Tình Yêu của Chúa Giêsu...

Tình yêu của Người dành cho con mãi mãi đến thiên thu
Hôm nay con hồi hộp bước vào Tòa Giải Tội
Lãnh Bí tích Giao Hòa cho tới ngày lòng vui trẩy hội
Đón rước Chúa lần đầu ghi dấu ấn suốt đời con...

Anh chị Giáo lý viên ở bên ngoài cũng thấy hồi hộp như con
Hoa quả đầu mùa các con và cô cùng nhau vun xới
Hôm nay đã tới ngày Chúa hẹn ngày đón đợi
Ôm các con vào lòng và thì thầm lời thương mến rất bao la...

Và sau này khi chúng ta đi xa - Có một phút nào đó trong cuộc đời nhớ về ngày hôm ấy - Nhớ những kỷ niệm nơi lớp học mình đã sẻ chia ngày mưa, ngày nắng cháy - Dù ở đâu, dù làm gì cũng hãy đừng bao giờ quên yêu Chúa nhé, các con

LỜI CHÚA: LẠY CHA CHÚNG CON (Thứ 5 tuần 11 TN)

Lạy Cha chúng con (16.6.2011 – Thứ năm Tuần 11 Thường niên)




Lời Chúa: Mt 6, 7-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

Suy niệm:
Chúng ta không thể lèo lái hay ép buộc Thiên Chúa
bằng những lải nhải dài dòng hay bằng những câu thần chú.
Cầu nguyện không phải là thông báo cho Chúa biết nhu cầu của ta (c. 8).
Cha Teilhard de Chardin đã viết:
“Chúng ta phải cầu xin Chúa không phải vì lề luật buộc như thế,
cũng không phải vì Chúa không biết ta cần gì.
Không, kinh nguyện là tình yêu, là cách diễn tả tình yêu.”
Thiên Chúa thích nghe miệng chúng ta nói lên nhu cầu của mình.
Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba, như Ngài đã gọi.
Abba là tiếng gọi âu yếm thân thương của đứa con đối với người cha.
Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta thấy mình hết sợ hãi và xa cách.
Cha siêu việt và quyền uy, nhưng Cha không áp bức và bắt con làm nô lệ,
Cha cao sang ở trên trời nhưng Cha lại gần gũi với nhu cầu của con cái.
Ba lời cầu xin đầu tiên đều hướng về Cha: Danh Cha, Nước Cha, và Ý Cha.
Danh Cha được vinh hiển khi Nước Cha được thành tựu, Ý Cha được thể hiện.
Nước Cha đã đến rồi với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu,
nhưng chúng ta vẫn phải cầu xin cho Nước ấy mau đến cách viên mãn.
Ý Cha và quyền tối cao của Cha đã được thể hiện trọn vẹn trên trời rồi,
nhưng còn phải được thể hiện dưới đất nữa, nơi mọi người và nơi từng người.
Ba lời cầu đầu tiên, là những lời trực tiếp nài xin Cha.
Làm cho Danh Cha được biết đến, Nước Cha được nhìn nhận,
Ý Cha được tuân hành : đó là công việc của Cha cho đến tận thế.
Nhưng việc đó cũng cần sự cộng tác hằng ngày của mỗi Kitô hữu
qua việc họ sống tận căn những đòi hỏi gai góc của Nước Trời,
để cho thấy Nước Trời đã đến trên mặt đất.
Bốn lời cầu xin sau nhắm đến nhu cầu cụ thể của các môn đệ.
Xin lương thực hàng ngày là điều cần thiết cho họ,
những người nay đây mai đó, sống nhờ lòng tốt của người nghe.
Xin ơn tha thứ là điều ta cần mỗi ngày từ Chúa, sau bao sai lỗi,
mà cũng là điều ta phải trao lại cho anh em.
Xin Chúa đừng đưa chúng ta vào cơn thử thách quá sức chịu đựng
đến mức mất đức tin và quỵ ngã.
Nhưng xin Chúa gìn giữ và giải thoát chúng ta khỏi Ác Thần.
Kinh Lạy Cha giúp chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là Cha.
Chúng ta được mở ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,
những cũng được mở ra trước thế giới dưới đất của con người.
Một thế giới có bao người thiếu bánh ăn, cần được chia sẻ.
Một thế giới có nhiều xung đột và hận thù, cần sự bao dung thứ tha.
Một thế giới hỗn loạn với bao điều phải chấn chỉnh cho hợp Ý Chúa.
Một thế giới không biết mình là anh em, con cùng một Cha.
Kinh Lạy Cha bao giờ cũng nhắc chúng ta về những điều dang dở…


Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.

Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì ?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ ?

Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.

Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.

Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.

Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa.