Đặt trọn niềm tin vào Đấng mình tin yêu, để đến với anh em bằng con tim của tình người.
Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011
HỒ THỊ KIM CHUYỀN
HỒ THỊ KIM CHUYỀN
(1989 - 2011)
Sinh Viên Đại Học Kinh Tế
Xe Công ty Công viên cây xanh cán chết nữ sinh viên
(NLĐO) - Sau khi cán chết cô gái trẻ, tài xế xe tải không hề hay biết vẫn lao xe về phía trước cho đến khi người dân kêu la mới dừng lại.
Vụ TNGT thương tâm xảy ra lúc 12 giờ 30 phút ngày 12-5 trên đường Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3 - TPHCM.
Hiện trường vụ tai nạn trên đường Trần Quang Diệu
Một số người dân chứng kiến vụ việc kể vào thời gian trên, xe tải BKS 57K-5511 của Công ty Công viên cây xanh chạy trên đường Trần Quang Diệu (theo hướng sân bay Tân Sơn Nhất về Lê Văn Sỹ).
Khi đến trước số nhà 31 thì tông vào xe đạp của một cô gái (khoảng gần 20 tuổi) đang chạy sát lề làm nạn nhân té xuống đường và bị bánh sau xe tải cán ngang.
Tài xế vẫn không hề hay biết việc gây tai nạn kinh hoàng mà vẫn lao xe về phía trước. Lúc này, rất nhiều người đi đường chạy theo kêu la, tài xế mới vội dừng xe và tung cửa bỏ trốn
Sau khi gây ra tai nạn, tài xế xe tải để xe lại hiện trường rồi bỏ trốn
Chiếc balô đựng đầy sách vở của nạn nhân.
Tại hiện trường, thi thể cô gái chết thảm không nguyên vẹn bên cạnh là chiếc balô đựng đầy sách vở. Nạn nhân sau đó được xác nhận là Hồ Thị Kim Chuyền, SN 1989, sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế TPHCM.
Hiện vụ tai nạn đang được cơ quan công an thụ lý.
Bài viết chia buồn cùng Hồ Thị Kim Chuyền:
Khi nghĩ đến nếu có thể dùng loài hoa nào đặt lên mộ chị, em đã nghĩ đến hoa cúc dại. Chị nhỏ nhắn đáng yêu như thế, chị trong sáng vui tươi như thế, chị mạnh mẽ lạc quan đến thế... Thế nhưng đâu phải cứ có sức sống bền bỉ thì không phải ra đi.
Tai nạn giao thông ngày 12-5-2011 đã vĩnh viễn khiến chị dừng lại ở tuổi 22. Tạm biệt chị, thủ khoa tốt nghiệp của trường THPT Nguyễn Trân - Bình Định khóa 2005-2008, sinh viên ĐH Kinh tế TP HCM với lực học thuộc top 10 trong khóa.
Nếu như "Giá như..." có thể thành hiện thực, thì em đã mãi nói rằng "giá như người ra đi không phải là chị". Bởi chị đang sống đẹp quá. Chị đang sống thật đẹp và trọn vẹn với lứa tuổi 22. Chị vui tươi năng động và hòa nhã, chị sống có khát khao và lý tưởng, chị tham gia các hoạt động tình nguyện,... Chị học giỏi, là niềm hy vọng to lớn của gia đình. Gia đình khó khăn, chị vẫn lạc quan vượt lên hoàn cảnh. Và chị cũng đã có người yêu, mối tình gắn bó 5 năm từ thuở trung học cho đến bây giờ...
Thế nhưng chị ra đi khi thậm chí chẳng kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Cuộc sống ở khía cạnh này, không công bằng chút nào cả. Sự ra đi của chị cũng giống như anh Luân, khi anh sinh viên nghèo năm nhất đầy nghị lực đã và đang đi những bước đầu tiên trên con đường chinh phục ước mơ Thạc sĩ kinh tế của mình. Anh cũng ra đi thật đột ngột, trong giấc ngủ.
Sẽ là nỗi đau xót khôn nguôi của gia đình, niềm thương tiếc vô hạn của bạn bè thầy cô, và là vết thương lòng dai dẳng của người yêu chị.
Tuy nhiên với mình...
...ra đi không đồng nghĩa với "chết".
"Người chỉ thực sự chết khi họ chết trong lòng người sống". Dù vô cùng đáng tiếc, nhưng mà mình sẽ nghĩ rằng thực ra chị vẫn sống, thật đẹp như trước giờ vẫn thế. Riêng về điều này thì chị đã hơn rất nhiều người đang tồn tại nhưng chưa "sống" được.
Việc này đã khiến mình suy nghĩ khá nhiều, thì ra khoảng cách giữa sống và chết mong manh đến thế. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì đó mà mình tin rằng mình không thể chết, bây giờ. Mặc dù rằng điều đó không thể nói trước được, mình cũng rất sợ như thế. Bởi, mình không thể chết bây giờ được, mình còn rất nhiều việc muốn làm, nhiều mơ ước chưa hoàn thành. Hoặc ít nhất, mình phải tập "sống" đúng nghĩa đã. Thời gian tồn tại ngắn hay dài cũng được, miễn là thực sự đã từng sống và để đến lúc phải dừng lại, ít ra cũng không phải là một cuộc hành trình với kết quả là con số "0" tròn trĩnh...
Mình không thể hỏi rằng đến bao giờ thì con người tham gia giao thông có ý thức hơn để không phải vì sự bất cẩn của mình mà làm hại đến người khác. Mình cũng không thể hỏi đến khi nào Việt Nam sẽ phát triển một nền văn hóa "tự chủ" đậm đà bản sắc để (ít ra thì) giới trẻ có thể thích nhiều thể loại nhạc Hàn, Nhật, Anh,... nhưng vẫn yêu và tự hào về văn hóa, ngôn từ, âm nhạc, nghệ thuật,... của chính dân tộc mình nhất. Cũng không thể hỏi rằng đến khi nào nghề giáo sẽ đỡ "bạc bẽo" hơn... Đó không phải là những vấn đề cá nhân, mình không thể hô hào nói văn vẻ điều này điều nọ khi mà mình chẳng thể làm gì hơn cả, nếu có thì cũng chỉ góp một phần nhỏ bé vô cùng, mà trước hết là cần phải thay đổi chính mình trước đã. Câu hỏi thực tế hơn phải là: "Đến bao giờ thì mình mới có thể vượt qua được chính những cám dỗ và sự yếu kém của bản thân để vươn tới những ước mơ!".
Đến bao giờ nhỉ?
Chắc chắn không phải là ngày mai theo lịch rằng hôm nay là ngày 16 thì mai sẽ là 17 được rồi. Nhưng mà ít ra là ngày 17 có thể tốt hơn ngày 16 một chút chẳng hạn.
Mình không thể nhảy vọt một bước quá xa như thế trong một ngày ngắn ngủi. Ây da phải tập lớn dần từng ngày í, "sống" nhiều hơn một chút qua từng ngày í.
"Vì con người ta ai cũng phải đi từng bước một"
Nguyện xin Thiên Chúa Đấng giầu lòng thương xót sẽ đón Chị vào Nước Trời. Nơi bình an và hạnh phúc. Trên Nước Trời Chị hãy phù hộ và cầu nguyện cho Cha Mẹ, người thân, bạn bè của Chị nhé.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét