Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

VẠ TUYỆT THÔNG VÀ PHÁ THAI

Vạ Tuyệt Thông và việc phá thai

Kính gửi Cha Bùi Đức Tiến,

Thưa Cha để ngắn gọn, con xin được cha giải đáp vài thắc mắc cho con trên báo Dân Chúa. Con xin cám ơn cha trước.

Trong mấy số báo trước, cha có viết, ai phạm tội phá thai thì bị rút phép thông công. Nếu muốn lấy lại, thì phải trải qua một số thủ tục nào đó.

Vậy con thắc mắc:

1. Đại đa số chúng con khi phạm tội, đều không biết là khi mình phạm vào tội nào đó, thì sẽ bị rút phép thông công. Mà quí cha vẫn dạy, để được kể là tội, thì phải hội đủ ba điều kiện: việc đó là tội trọng, hiểu biết rõ ràng, (cùng hậu quả của nó ...) và hoàn toàn ưng thuận. Chúng con yếu đuối lỗi phạm, thì chỉ nghĩ sẽ sa hỏa ngục nếu chưa kịp ăn năn, xưng tội. Chứ không hề biết là mình bị “thêm” một án khác: bị rút phép thông công. Cho nên chúng con chỉ đi xưng tội thôi. Xin Cha cho biết, nếu chết thì án rút phép thông công sẽ ra sao?

2. Cách đây vài chục năm, hồi còn trẻ ở Việt Nam, con và cô bạn gái của con đã phạm tội và nàng đã có thai. Cô tỏ ý quyết định phá thai. Con đồng ý. Sau đó, con đi xưng tội “đồng lõa” này. Nhưng quí cha giải tội không đề cập gì đến việc bị rút phép thông công. Cho nên con nghĩ Chúa nhân từ đã tha cho con. Vậy con còn mắc nợ gì với tội xưa này không?

Cuối cùng, xin chúc cha an mạnh hồn xác, và đầy ơn khôn ngoan để hướng dẫn chúng con.

Con, MHK, NSW





Đáp:
Thăm anh MKH,

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây về Vạ tuyệt thông: (Excommunicatio) là một biện pháp chế tài Giáo Hội áp đặt trên các tín hữu sau một hay nhiều hành vi vi phạm nặng nề luật lệ của Giáo Hội. Vạ Tuyệt thông trục xuất người bị án ra khỏi cộng đồng dân Chúa và không cho phép họ được tham dự, cử hành hay lãnh nhận một số các Bí tích. Vì Vạ Tuyệt thông không phải là Thiên luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (luật của Giáo Hội), nên Vạ không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa họ và Thiên Chúa. Tuy nhiên, khó mà tưởng tượng được rằng một người bị Giáo Hội ra vạ tuyệt thông, không còn là một thành phần của Dân Chúa nữa mà vẫn còn nhận được ân sủng từ Thiên Chúa.

Vạ Tuyệt thông được chia ra làm hai loại: Vạ Tuyệt thông tiền kết (Latae sententiae) và Vạ Tuyệt thông hậu kết (Ferendae sententiae).

(a) Vạ tiền kết: là Vạ đã được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo Hội phải công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết.

(b) Vạ hậu kết: là Vạ đã được ấn định cho một số tội. Sau khi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo Hội công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn 2 loại vi phạm bị chế tài Vạ hậu kết.

Bộ Giáo Luật hiện hành điều 1398 qui định: “Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết (Latae sententiae)”. Việc không hề biết là mình lỗi luật không làm cho luật mất giá trị, có nghĩa là dù không biết, luật vẫn buộc. Sau khi luật ban hành, giả thiết là mọi người đều phải biết.

Theo như thắc mắc “nếu chết thì án rút phép thông công sẽ ra sao”. Dĩ nhiên, nếu có luật buộc thì phải có luật gỡ. Giáo luật điều 1355,2 qui định: “Hình phạt tiền kết do luật ấn định ... , nếu không dành riêng cho Tòa Thánh, thì có thể được Bản Quyền tha cho những người thuộc quyền mình và cho những người đang ở trong lãnh thổ mình hay đã phạm tội tại đó; tất cả các Giám Mục đều có thể tha chúng, nhưng chỉ trong chính lúc ban Bí tích Giải tội.”

Như thế, vạ tuyệt thông chỉ được tha do Đức Giám Mục giáo phận hay do linh mục nào Đức Giám Mục ấy ủy quyền. Giáo luật điều 1357,1 qui định: “Đừng kể những gì đã quy định ở các điều 508* và 976**, cha giải tội có quyền tha ở tòa trong, lúc ban bí tích, vạ tuyệt thông tiền kết hay cấm chế chưa tuyên bố, nếu hối nhân khổ sở vì phải thường xuyên ở trong tình trạng tội nặng suốt thời gian cần thiết để Bề Trên có thẩm quyền định liệu.”

(*) điều 508: Kinh sĩ xá giải hoặc tại nhà thờ chính tòa hoặc tại nhà thờ hợp đoàn, chiếu theo chức vụ, có quyền thông thường để giải trong tòa bí tích các vạ “tiền kết” chưa tuyên bố và không dành riêng cho Tòa Thánh; quyền này không thể được ủy nhiệm, nhưng có thể hành sử đối với những người trong giáo phận tuy không là thuộc dân của giáo phận, và đối với cả những người thuộc dân của giáo phận nhưng ở ngoài lãnh thổ của giáo phận. Ở đâu không có Hội Kinh sĩ, thì Giám Mục giáo phận sẽ đặt một tư tế để giữ nhiệm vụ đó.

(**) điều 976: Bất cứ tư tế nào, dù không có năng quyền giải tội, vẫn xá hết các tội và vạ cách hữu hiệu và hợp pháp cho mọi hối nhân trong lúc nguy tử ...

Về câu chuyện của anh hồi năm xưa như anh kể thì theo tôi, anh đã bị vạ. Việc anh viết rằng cha giải tội không đề cập đến chuyện vạ sau khi nghe anh nói, tôi có thể suy diễn rằng có thể anh trình bày không rõ, hay anh trình bày rõ mà cha giải tội nghe không rõ, hay một lý do nào đó khác.

Cũng nên biết rằng tùy theo từng giáo phận khác nhau, có nơi Đức Giám Mục ủy quyền cho một vài linh mục giải vạ, có nơi Đức Giám Mục ủy quyền giải vạ cho tất cả các cha trong giáo phận, và cũng có nơi Đức Giám Mục không ủy quyền cho ai cả, chỉ mình ngài có quyền giải vạ mà thôi. Tuy nhiên trong trường hợp nguy tử, như điều 976 ở trên, bất cứ linh mục nào cũng có quyền giải tất cả các vạ, trừ một trường hợp duy nhất dành riêng cho Đức Giáo Hoàng là việc một linh mục lập gia đình.

Trong trường hợp của anh, tôi đề nghị là anh nên gặp một linh mục trình bày với ngài qua Tòa Giải tội để xin ý kiến. Chúc anh luôn bình an.



Ngưòi phụ trách:
Lm. Bùi Đức Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét