Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

BÊNH VỰC GIÁO HỘI

Bênh vực Giáo hội Công giáo: Một cuốn sách mới nhằm xóa bỏ các sự hiểu lầm về Giáo hội

ROMA – Thuyết chống Công giáo có lẽ là định kiến cuối cùng có thể chấp nhận được trong xã hội ngày nay, nhưng tác giả và nhà báo người Canada Michael Coren viết một sách bênh vực Giáo hội Công giáo, và đả phá thuyết trên.

Trong cuốn sách xuất bản gần đây của ông có nhan đề "Tại sao người Công giáo có lý?" (Why Catholics Are Right, nhà xuất bản McClelland và Stewart, Canada), ông xem xét một số lời phê bình chung về Giáo Hội. Coren, sinh ra trong một gia đình thế tục, có cha là người Do thái, đã trở thành một người Công giáo vào giữa độ tuổi 20 của ông.

Ông nói rằng việc là người gốc Do Thái đã giúp ông trong nghề nghiệp, nhưng như ông giải thích trong phần giới thiệu cuốn sách, niềm tin Công giáo của ông đã làm ông mất việc làm hai lần và đóng cửa nhiều nơi trong giới truyền thông.

Ông bắt đầu với một chủ đề, mà ông nói rằng ông không muốn viết và không buộc phải viết, đó là các vụ bê bối lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ. Ông thừa nhận sự thiệt hại lớn lao gây ra cho nhiều người như là một kết quả của sự lạm dụng tình dục, nhưng ông cũng lập luận rằng một số lời chỉ trích đã đi xa hơn những gì được biện minh.

Coren nhấn mạnh rằng sự lạm dụng này không nói gì đặc biệt về đạo Công giáo. Những người chỉ trích háo hức để chứng minh rằng sự lạm dụng có liên quan đến cơ cấu hay giáo huấn của Giáo hội, họ không biết rằng việc lạm dụng tính dục nơi một số giáo sĩ cũng xảy ra trong các giáo hội khác và tôn giáo khác ở cùng một tỉ lệ hoặc ở tỉ lệ còn cao hơn.

Coren nhận định, với bài học từ các vụ bê bối lạm dụng này, Giáo Hội Công Giáo hiện nay là một trong những nơi an toàn nhất cho người trẻ tuổi. Các sự việc ấy nên dẫn đến một sự lên án các vi phạm, nhưng không dẫn đến việc lên án Giáo Hội.

Một chương khác nói đến các sự kiện lịch sử, chẳng hạn các cuộc Thập tự chinh và Toà án dị giáo. Ông nhìn nhận rằng đúng là Giáo Hội đã không luôn hành động trong cách thức tốt nhất, nhưng nói chung Giáo Hội đi trước thời đại về tính đạo đức và là một lực lượng vì sự thiện cho mọi người.

Thập tự chinh

Về vấn đề Thập tự chinh, ông Coren nêu ra rằng Thánh Địa là của Kitô giáo và sau đó bị người Hồi giáo xâm lấn.

Theo ông, thật là sai lầm khi nhìn các cuộc Thập tự chinh như một thứ chủ nghĩa đế quốc hoặc chủ nghĩa thực dân. Thay vì là một sự thực thi việc khai thác và gặt hái lợi nhuận, nhiều gia đình quý tộc đã bị phá sản, bởi phải chi tiền nhiều để trang bị cho một hiệp sĩ, và hỗ trợ cho ông và đoàn tùy tùng của ông.

Coren giải thích, các nghiên cứu hiện đại đã bác bỏ lời khẳng định rằng nhiều quân Thập tự chinh là con cái các gia đình nghèo đi cướp bóc của cải. Trong thực tế, họ thường thuộc giới hiệp sĩ châu Âu, có tinh thần thượng võ.

Trong vùng lãnh thổ do các cuộc Thập tự chinh chiếm được, người dân Hồi giáo vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường, và không có bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào của Công giáo để làm cho họ trở lại đạo Công giáo. Coren hỏi: Chúng ta có thể kết luận ra sao về các cuộc Thập tự chinh?

Ông nói: “Đó không phải là thời điểm đáng tự hào nhất của lịch sử Kitô giáo, nhưng cũng không phải là tranh biếm hoạ ngây ngô về tội của phương Tây hiện đại, và chắc chắn không phải là sự hoang tưởng của Hồi giáo đương đại".

Về Toà án dị giáo, ông nhận xét rằng tiền đề cơ bản là người Công giáo là xấu xa hơn bất cứ ai khác, và chỉ có Giáo Hội mới tổ chức được cái gì giống với Toà án dị giáo.

Ông nói, điều này đơn giản là lố bịch. Người ta hãy xem là số người nam nữ đã bị giết hại trong hai tuần lễ của Cách mạng Pháp vô thần là nhiều hơn so với nạn nhân của một thế kỷ của Toà án dị giáo. Ông lưu ý là cũng có nhiều Tòa án dị giáo trong một số quốc gia Tin lành, nhắm đặc biệt vào những người tình nghi là phù thủy.

Tra tấn

Coren giải thích, mục đích của Toà án dị giáo là chống lại các sai lầm tín lý và lạc giáo, nhằm đưa người lầm lạc trở về với Giáo Hội. Việc tra tấn đã xảy ra, nhưng nó đã được thực hiện chủ yếu bởi chính quyền thế tục. Toà án dị giáo sử dụng việc tra tấn ít hơn nhiều so với cơ quan tư pháp thời đó.

Hầu hết lời chỉ trích tập trung vào Toà án dị giáo Tây Ban Nha. Về việc này, ông lấy làm ngạc nhiên tại sao người ta ít chú ý đến các cuộc thảm sát và tra tấn nhiều người Công giáo, được thực hiện dưới thời Vua Henry VIII và Nữ hoàng Elizabeth I ở Anh.

Ông giải thích, sự thật là trong những ngày đầu các Giáo hoàng đã ủng hộ Toà án dị giáo Tây Ban Nha, nhưng nó đã nhanh chóng trở thành một cơ quan của Nhà nước và chế độ quân chủ. Sau thất bại cuối cùng của người Hồi giáo ở Tây Ban Nha, một số lượng lớn người Hồi giáo và Do Thái giáo đã trở lại đạo Công giáo.

Nhiều người thực tâm trở lại đạo, nhưng do muốn được lợi thế về chính trị và kinh tế khi trở lại đạo Công giáo, một số người trở lại là không thực tâm. Điều này dẫn đến việc điều tra của Toà án dị giáo về tình trạng của những người trở lại đạo.

Coren nói, chắc chắn là có các sự lợi dụng, nhưng trong khi Tây Ban Nha là một xã hội không hoàn thiện, nước này đã không trải qua các cuộc nội chiến tôn giáo đẫm máu, vốn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia châu Âu khác.

Theo Coren, Toà án dị giáo đã không được chú ý đến cho đến giữa thế kỷ 19, khi các tác giả chống Công giáo sử dụng và bóp méo nó để tấn công Giáo Hội.

Một chỉ trích thường có về Giáo Hội là sự giàu sang của Giáo hội. Coren bình luận: “Chúng ta đụng với câu quen thuộc nói rằng Giáo hội có quá nhiều tiền bạc trong khi phần còn lại của thế giới chết đói".

Vâng, có rất nhiều tài sản tại Vatican, trong các viện bảo tàng được mở cửa cho mọi người đến xem. Giáo Hội bảo quản các tác phẩm nghệ thuật trong nhiều thế kỷ và giữ chúng như là một di sản cho nhân loại.

Bán các tác phẩm nghệ thuật và cho đi số tiền ấy sẽ chỉ là một sự kiện một lần, và lợi nhuận sẽ sớm kết thúc. Thay vào đó, các kho tàng nghệ thuật được lưu giữ cho tương lai, dành cho tất cả mọi người, thay vì bị nhốt trong các bộ sưu tập tư nhân.

Coren nói thêm, hơn nữa Giáo hội Công giáo xây dựng và điều hành các bệnh viện, trường học và có một số lượng lớn công tác từ thiện trên khắp thế giới.

Sự sống

Một trong các chương sách dành cho chủ đề của sự sống và tình dục. Giáo hội thường bị tấn công về lập trường của mình về các vấn đề khác nhau, từ việc phá thai đến bao cao su và thuốc tránh thai.

Coren lập luận, lập trường của Giáo Hội Công Giáo trong lĩnh vực này không chỉ dựa vào niềm tin đạo đức, nhưng còn được hỗ trợ bởi khoa học và nhân quyền.

Ông nói, lời khẳng định rằng một sự sống mới xuất hiện từ lúc thụ thai có nền tảng vững chắc về sinh học. Thai nhi là một sự sống con người riêng biệt và như vậy phải có quyền tồn tại. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, các người phò sự sống thường được mô tả như là người cuồng tín cực đoan.

Hơn nữa, trong khi xã hội đương đại tự xem mình là tiến bộ hơn và khoan dung hơn so với bất kỳ thời đại trong quá khứ, người tàn tật hoặc khuyết tật trong bụng mẹ đang bị cố tình nhắm tới và giết chết.

Khi nói đến Giáo Hội phản đối việc sử dụng tế bào gốc phôi thai để nghiên cứu, điều này được các đối thủ sử dụng để buộc tội Giáo hội là một trở ngại cho việc chữa bệnh và các dịch bệnh, vốn có thể được khắc phục trong tương lai rất gần.

Tuy nhiên Coren nêu ra rằng, sự thật là chưa có phương pháp chữa trị thành công với các tế bào gốc phôi, trái ngược với các thành công đạt được với các tế bào gốc trưởng thành, vốn không bị Giáo Hội phản đối.

Về chủ đề bao cao su và phương pháp tránh thai, Giáo hội đã cảnh báo nhiều thập kỷ trước đây rằng việc sử dụng các thứ này sẽ có hại cho xã hội. Coren cho biết, trong thực tế, kể từ khi có cảnh báo này, đã có sự gia tăng liên tục trong các bệnh qua đường tình dục, ly dị, gia đình tan vỡ và tình dục đã bị hạ cấp từ một hành động yêu thương xuống một sự trao đổi đơn thuần của dịch cơ thể.

Các sự gièm pha đối với Giáo Hội và ĐTC Biển Đức XVI, vì chống đối sự sử dụng bao cao su trong nỗ lực kiểm soát AIDS, vẫn là một trường hợp bất công. Việc chỉ dựa vào việc sử dụng bao cao su đã không hữu hiệu ở châu Phi. Thay vào đó, các chương trình dựa vào sự kiêng cử và trung tín vợ chồng đã có thành công lớn nhất.

Cuốn sách của Coren còn nói đến nhiều đề tài khác nữa, và ông không đưa ra nắm đấm trong việc bảo vệ Giáo Hội chống lại cái mà ông xem là các cuộc tấn công với thông tin rất kém. Sách này chứng tỏ là một hỗ trợ hữu ích cho những người quan tâm trả lời cho các cú đánh mạnh quá thường xuyên chống lại Giáo Hội. (Zenit 29-5-2011)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét