ĐỌC “THƯ VIẾT GỬI MẸ”
Có những bức thư tình hay nhất thế giới của những người yêu nhau được viết bằng ngôn ngữ của trái tim khát khao có nhau, để sống chết cho nhau trọn một kiếp người.
Cũng có những bức thư tình hay nhất thế giới của những người yêu nhau lại được viết bằng ngôn ngữ của trái tim tan nát vì nỗi khát khao có nhau thành khát vọng muôn đời vẫn mãi là khát vọng…
Những bức thư tình của thời ngôn ngữ trên giấy, tưởng đã nhường chỗ cho tiếng nói trên sóng của thời đại viễn thông cực thịnh, “chỉ cần nhấc phone”, nhưng không, vẫn còn có rất nhiều điều người ta không nói được bằng lời… Vì vậy, một tin nhắn cho nhau thay cho lời muốn nói, một lá thư cho nhau thay cho cả nỗi niềm, vẫn mãi là một phương thức diệu kỳ cho tiếng lòng thầm thì to nhỏ.
Nếu những câu nói “Anh yêu em”, “Em yêu anh nhất trên đời” đã là khó khăn, đắn đo, lựa lời, lựa lúc, và nhất là xem có thật lòng mình không, thì câu nói “Mẹ ơi, con yêu Mẹ nhiều lắm” thiết tưởng không phải dễ nói. Và có lẽ không dễ hơn lời “cảm ơn Mẹ” và “xin lỗi Mẹ”.
Bởi, “Mẹ ơi, con yêu Mẹ” không đơn thuần là một lời nói, một cảm xúc, nhưng còn là ý thức tinh tuyền về thiên chức của Mẹ, một cảm nghiệm sâu xa về tình Mẹ, một hiểu thấu về công ơn của Mẹ, một tương quan nhục thể suốt đời với Mẹ, người đã hình thành nên một con người một nhân cách của đứa con….
Thấu đạt điều khó nói ấy, Sr. Hồng Quế, người trực tiếp giảng dạy Lớp Kỹ Năng Sống tại Trung Tâm Mục Vụ Ba Chuông, Sài Gòn, đã đề nghị các học viên “Viết thư gửi Mẹ” nhân “Ngày của Mẹ 2011” sau những phút học hỏi, tịnh tâm, lắng lòng, hoài niệm và cầu nguyện…
Chỉ riêng một lớp Sedes Sapientiae thôi, đã có đến 73 lá thư ngắn dài, nhưng thư nào cũng chất chứa trọn vẹn một niềm yêu thương không bờ bến dành cho Mẹ.
Đọc những bức “Thư Viết Gửi Mẹ”, tôi không cầm nỗi nước mắt. Khóc mừng vì có một ý thức đạo đức đã lên xanh. Khóc vui vì có một tình yêu tinh tuyền đã chín mọng. Khóc hân hoan hy vọng vì có một “thế hệ có cội, có nguồn” đang kế thừa di sản đạo đức quí báu của cha ông:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Là người Việt Nam, hầu như ai cũng thuộc lòng câu ca dao này từ tấm bé, bởi lời ru của mẹ luôn khe khẽ bên tai. Thế nhưng, lúc bên Mẹ, đã nói được gì với Mẹ? Xa Mẹ rồi, lòng ngẫn lòng ngơ ngó về quê thăm thẳm mà lời nghẹn, ruột đau:
“Lời đầu tiên con muốn nói lời xin lỗi chân thành từ trái tim đến mẹ vì đến bây giờ con chưa từng một lần đứng trước mẹ và nói lên lời xin lỗi hay cảm ơn”. ( Moon )
“ Mẹ ơi! con ước gì mẹ được gần con ngay bây giờ để con có thể bày tỏ tình cảm của con đối với mẹ , để con được ôm mẹ, ôm hôn mẹ. Con muốn làm một điều gì đó làm mẹ vui. Mẹ ơi!
Con trai của mẹ Cọt” (Cọt! Yêu mẹ nhiều lắm )
“Mẹ con thật sự cảm ơn tình thương mẹ một đời tặng ban cho con.
Nay con xa mẹ rồi, không còn thấy mẹ mỗi ngày nhưng trong tâm trí con luôn có mẹ, mẹ ạ!”
Con trai của mẹ”. (Phêrô Đồng )
“ Tới bây giờ con mới cảm thấy được lòng mẹ, nếu như không có lần ra đi này chắc con không bao giờ hiểu được tình yêu của mẹ dành cho con mẹ ạ.” (Giuse Hà Văn Kính )
“Mẹ ơi! Đây là lần đầu tiên con cầm bút viết thư cho mẹ những lời thầm tự đáy lòng con. Ngay lúc này đây, mẹ có biết không con thèm muốn được nhìn thấy mẹ, được chạy lại và ôm mẹ vào lòng. Mẹ ơi con muốn hét thật to rằng ‘con yêu mẹ, con yêu mẹ nhiều lắm mẹ ạ’ . Con biết rằng mẹ của con đang buồn, mẹ của con đang đau vì sự ra đi đột ngột của bố.
Mẹ ơi! Con tin bố của chúng con ở trên trời, bên Chúa, bên mẹ Maria và bên các Thánh đang phù hộ cho chúng ta”. ( Têrêsa Hoài Thu )
“Con có đi xa, có vắng bóng mẹ, có ốm đau thì con mới cảm nhận được tình yêu, tình cảm mà mẹ đã dành cho con”. (Maria Nguyễn Thị Thảo)
“Đã lâu lắm rồi con chưa có dịp để gặp lại mẹ. Mặc dầu qua điện thoại vài lần chia sẻ nói chuyện. Nhưng mỗi lần như vậy mẹ ơi, con chỉ muốn được ở bên mẹ được nói chuyện với mẹ, được nghe mẹ chia sẻ và muốn được mẹ ôm lấy con yêu của mẹ như ngày nào” (Mary con gái của mẹ).
“Ngày của Mẹ” chỉ có ở Thành Phố thôi sao? Tại sao thế? Nhìn người ta tổ chức “Ngày của Mẹ” con lại nhớ đến quê mình, nơi Mẹ đang những ngày đời lam lũ trên đồng ruộng, đôi quang gánh, và sức nặng cuộc đời trên đôi vai gầy còm của Mẹ:
“….Vì hơn hết, đồng lúa gắn liền với mẹ của con. Đồng lúa là cơ nghiệp của mẹ để nuôi 10 anh em chúng con”……
“Có lẽ không chỉ riêng con, mà rất rất nhiều người ở miền quê như mẹ, như con không biết đến ngày này. Phải chăng vì miền quê không thảo hiếu với mẹ. Không . Nhưng vì quê ta nghèo, và người quê ta cũng ít khi thể hiện tình cảm của mình, nhất là đối với người thân trong nhà. Con là một thực tế điển hình đó mẹ” . (M.Hoe Sáu )
“Nhà đông con mẹ phải lam lũ, vất vả ngày đêm buôn thúng bán mẹt kiếm miếng cơm manh áo nuôi con khôn lớn, học hành đầy đủ chẳng để cho đứa nào phải thua chúng kém bạn.
Con nhớ hình ảnh mẹ với đôi quang gánh trên vai gầy và đôi dép nhựa mòn năm tháng đã theo mẹ.
Mẹ ơi! Mẹ là tất cả của đời con”( Nguyễn Thị Nguyệt Nga )
“Bố mất sớm, chúng con thì còn nhỏ cả nên tất cả mọi gánh nặng gia đình đè nặng trên đôi vai gầy yếu của mẹ. Điều đó đã làm mẹ gầy yếu rồi bệnh tật nữa. Nhưng không vì sự khó khăn đã làm mẹ quỵ ngã. Mẹ vẫn kiên cường” (con Maria Minh Thao)
“Sức nặng cuộc đời không đè bẹp tình thương mẹ dành cho con”. ( Joac Nguyễn Hân )
“Con nhớ cái rét ở Miền Bắc, nhớ vòng tay yêu thương ấm áp của mẹ .
Thời gian có qua, tuổi tác có làm cho mẹ già đi qua tháng năm, nhưng tình yêu của mẹ dành cho con không bao giờ thay đổi”. (Mary Nguyễn Thị Thủy)
“Mẹ phải vất vả khó nhọc, phải hi sinh tất cả cho con được vui vẻ với bạn bè, được đến trường với đồng bạn. Mẹ đã vất vả để chúng con được vui chơi, mẹ đã phải buồn sầu để chúng con được vui vẻ, mẹ đã phải thức để chúng con được ngủ, mẹ đã phải chịu giá rét để chúng con được ấm áp … và có nhiều khi mẹ đã phải nhịn đói để chúng con được no lòng”. ( Đứa con bất hiếu JPM )
Những tâm tình, những nỗi niềm chất chứa trong những lá thư thay lời muốn nói, còn là những hoài niệm, những lời biết ơn sâu xa, những tình cảm chân thành tự trong đáy tim thương yêu Mẹ quá đỗi. Làm sao kể hết? Làm sao tỏ bày hết? Làm sao tạ cho hết lỗi? Và làm sao đáp đền cho cân xứng tình Mẹ thương con?
“Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mười tám năm nuôi dạy vậy mà giờ đây con không làm được gì cho mẹ, mà lại bỏ mẹ để đi nơi khác”. ( Phêrô Trần Việt Phương –GX Vyên )
“Bằng tuổi mẹ bây giờ, nhiều người được nghỉ ngơi, nhưng mẹ vẫn thức khuya dậy sớm. Bàn tay mẹ đau nhưng vẫn phải đập đá để bán những ly chè những cốc nước”. ( Maria Oanh )
“Mẹ đã vất vả, tần tảo nuôi con khôn lớn thành người, nhưng tội nghiệp thay đến lúc con trưởng thành mẹ đã được Chúa gọi về nhà Cha yêu dấu. Thế là từ đó con xa mẹ vĩnh viễn”.( Con gái nhớ mẹ muôn đời )
“Con hiểu được rằng mẹ đã rất thương nhớ con khi con không luôn ở bên mẹ để bưng cho mẹ chén nước, bát cơm. Con biết điều đó khi con nghe bố gọi: ‘Mẹ nó ơi, Hiền con nó về ’, khi con được về tết. Mẹ con đã chạy ra và nhìn con nở nụ cười. Con muốn ôm mẹ ngay tức khắc để vơi đi sự cô đơn vất vả của mẹ, nhưng tại sao con không làm được như thế?” (Minh Hiền )
“Con hối hận vô cùng. Con thấy mình là kẻ vô ơn, là kẻ bất hiếu. Con xin mẹ tha thứ cho con! Xin tha thứ cho con! Con hứa sẽ không làm mẹ buồn lòng nữa. Xin mẹ hãy vui sống với chúng con”. ( Thằng Bin của mẹ)
“Gửi Mẹ, lời xin lỗi thầm kín của con”. ( Giuse Phú )
“Mới đó mà út của mẹ đã 27 tuổi rồi. Chưa làm gì cho Mẹ”. ( Út của Mẹ. ThuyMy )
“Dịp Tết vừa rồi con có mua một quyển sách: Đề tặng mẹ.
Mẹ ơi! Con chưa đọc cho mẹ nghe… Giờ đây con rất muốn đọc cho mẹ nghe nhưng lại không đọc được. Mẹ ơi, lần sau con sẽ đọc cho mẹ nghe Mẹ nhé. Nhớ mẹ nhiều…” ( Xuân Phương )
Những kỷ niệm với Mẹ, vẫn luôn canh cánh bên lòng. Hồi thơ dại, chưa hiểu gì về tình thương Mẹ, nỗi lo toan của Mẹ, ước muốn của Mẹ. Đến lúc rời xa chiếc nôi ấm áp, rời xa vòng tay yêu thương, mới thấy tất cả những gì đã qua, đều là tình thương mẹ dành cho con. Có những hoài niệm thật ý nghĩa để hình thành cho con một tương lai, một nhân cách. Có cả những tâm tình rất thực được viết ra như một bản tự thú của một thời đã qua đầy đau thương, rách nát. Nhưng qua đó, hiểu được nhiều hơn về sự chịu đựng kiên cường của những người Mẹ trước những nghịch cảnh, mà nghịch cảnh tiêu biểu nhất là những đứa con ngỗ nghịch:
“Không ít lần con trách mẹ, so sánh mẹ với những người khác và con đã từng buồn vì mẹ dở hơn người ta…..
Con sẽ thay đỏi cách nhìn và tôn trọng mọi người hơn dù người ta có như thế nào. Chính những lần con làm mẹ đau, nhưng mẹ không những không la mắng mà vẫn tiếp tục làm những điều tốt đẹp cho con đã giúp con có cái nhìn mới. Con sẽ làm lại và bước những bước đi mới.
CON DÙ LỚN VẪN LÀ CON CỦA MẸ” ( ANNA )
“Con còn nhớ một lần mẹ làm con thay đổi không còn nghịch nữa. Đó là lần mà mẹ đã đánh con, mẹ đã kéo con ra ngoài vườn nhà mình để đào hố chôn con đi. Lúc đó, trong đầu con nghĩ mẹ không chôn con nhưng ngược lại mẹ đã cố gắng quên đi con của mẹ và mẹ đã chôn con xuống hố. Mẹ đã chôn con một nữa thân thể con xuống đất để dạy với con rằng: Từ nay con đừng nghịch nữa mà hãy cố gắng học”. (Gioan Nguyễn Thanh Vinh )
“Mẹ bị bố la mắng, đánh đập. Con hận đời. Con hận bố. Con thương Mẹ. Nhưng Mẹ thật vô lý. …Sau nầy, con mới hiểu sự chịu đựng của Mẹ là phương thuốc tốt nhất chữa bệnh vũ phu của bố. Mẹ là lương y. Bố yêu mẹ nhiều hơn. Con yêu Mẹ nhất”. (Maria NTT )
“Có những lúc bị đánh, con ghét mẹ lắm, nhưng bây giờ con lại mong muốn được mẹ đánh như ngày nào, mẹ dạy dỗ cho con”. ( Cu lọi của mẹ )
“Mẹ mắng con. Con đã định bỏ nhà ra đi ; mẹ đã ôm lấy con ; mẹ khóc ; mẹ an ủi con” (con trai Mẹ)
“Nhưng con yêu người bạn kia mất rồi, mẹ ơi ! Nếu khi nào đó con không đi tu nữa thì xin mẹ đừng buồn vì con mẹ nhé! Con biết mẹ đặt rất nhiều hy vọng nơi con. Nhưng mẹ ơi, nếu con không thể tiếp tục đi nữa thì xin mẹ cũng đừng khóc vì con.” ( con gái hư của mẹ )
Hiểu được tình Mẹ, thấu được lòng Mẹ, cảm được nỗi lo của Mẹ, bị chinh phục bởi sức chịu đựng của Mẹ, tín nhiệm nguồn bình an nơi Mẹ, tự hào, hãnh diện về Mẹ, là phải nguyện cầu cho Mẹ, phải nỗ lực đặt mình vào một tương lai tốt đẹp như lòng Mẹ mong muốn.
“Mẹ ơi ! Con cứ muốn gọi mẹ hoài vì mỗi lần con gọi mẹ là con thấy bình an”. ( Chuột nhắt của mẹ)
“Còn con giờ đây thì đang đứng dưới chân thánh giá và cầu nguyện cho mẹ. Xin Chúa coi sóc gia đình con và cho con vững bước theo Ngài”. ( Giuse Trần Thái Bảo- Claret )
“Con đã chọn lựa, nhưng rồi anh Q, em Yến, Xinh lại cũng muốn dâng mình cho Chúa. Mẹ đã hy sinh dâng 4 anh em chúng con cho Chúa, và mẹ chỉ mong rằng chúng con sẽ là linh mục, nữ tu tốt” . (Maria)
“Mẹ ơi, chúng con cần mẹ. Không có mẹ chúng con không thể đứng vững được”.
“Mẹ ơi! con Hoàng Lam của mẹ đây. Lên 4 tuổi, con đã phải xa lìa tình Mẹ, con như một đứa trẻ bơ vơ. Con khao khát được mẹ ôm con vào lòng, hôn con và cười với con. Mẹ đang ở trên Thiên Đường, ngày ngày mẹ luôn phù hộ cho con. Ngày nào con cũng gọi ‘mẹ ơi ’ và tâm sự với Mẹ qua Chúa”. ( M.Hoàng Lam )
“Con thật tự hào về mẹ, mẹ là nguồn động lực lớn nhất giúp con tiến bước trong cuộc đời này”. ( Kim Liên )
“Không gì có thể thay thế tình mẫu tử được. Càng trưởng thành con càng cần gia đình, cần tình mẹ yêu thương vỗ về” (Không tên)
Đọc hết 73 lá thư, và tôi đã chọn được 73 lời thầm “Mẹ ơi, Con Yêu Mẹ” như một mẫu số chung của 73 trái tim người trẻ.
Những câu trích dẫn trên đây là nguyên văn trong 36 lá thư được kể là đơn sơ, chân thành đến nỗi không ngại nói thật với Mẹ những lời yêu, kể cả những lần giận hờn, đổi thương thành ghét, kể cả những trăn trở băn khoăn ngay trong lúc này…và đặc biệt hơn cả, tình yêu và sức chịu đựng của Mẹ đã chinh phục những trái tim vô tình của con.
Chân thành cảm ơn Sr. Hồng Quế đã có sáng kiến “Viết Thư Gửi Mẹ” để người trẻ có cơ hội lắng lòng ngộ ra điều vĩnh cửu: “Không có gì thay thế tình Mẹ”.
Xin cảm ơn 73 trái tim yêu.
Hãy cùng la to lên trong “Ngày Của Mẹ”: “MẸ ƠI, CON YÊU MẸ NHẤT TRÊN ĐỜI”.
PM. Cao Huy Hoàng
07-5-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét