Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

NGƯỜI DO THÁI TIN VÀ THỜ LẬY CHÚA NÀO

NGƯỜI DO THÁI TIN VÀ THỜ LẬY CHÚA NÀO?


Hỏi (chi tiết):

Xin Cha cho biết: người Do Thái có tin và thờ lậy Một Thiên Chúa như người Công Giáo hay không
?

Đáp:

Trả lời: Trước hết , phải nói ngay là giữa Công Giáo (Catholicism) và Do Thái Giáo ( Judaism) có sự gần gũi căn bản về niềm tin có Thiên Chúa là Đấng tác tạo muôn loài muôn vật mà quan trọng nhất là Thiên Chúa đã tạo dựng con người " theo hình ảnh của Thiên Chúa"( St 1:27), như người Do Thái và Công giáo cùng có chung niềm tin này.

Tuy nhiên, về nội dung từ ngữ "Thiên Chúa (God) thì lại có sự khác biệt lớn giữa Do Thái và Công Giáo như sau:

Trước hết, người ta có thể tự hỏi: Chúa mà người Do Thái tin và nhìn nhận là Chúa nào? Là Thiên Chúa độc nhất, (độc thần = monotheism) của Do Thái Giáo ( Judaism) hay là Thiên Chúa Ba Ngôi( Holy Trinity) như Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng và phụng thờ?

Chắc chắn người Do Thái chỉ tin và nhìn nhận một Thiên Chúa Yahweb độc nhất là Cha các Tổ Phụ Abraham, Isaac và Jacob mà thôi. Niềm tin này dựa vào lời Thiên Chúa (God) đã nói với ông Môsê từ bụi cây bốc cháy sau đây: “Ta là Thiên Chúa của cha người, Thiên Chúa của Áp-ra ham, Thiên Chúa của I-xa-ác và Thiên Chúa của Giacóp.” (Xh 3:6)

Sau khi ông Môsê dẫn dân Do Thái ra khỏi Ai cập và trở về quê hương an toàn, Thiên Chúa đã ký với họ một giao ước (Covenant) trong đó Ngài đã hứa: “Vậy giờ đây, nếu các người thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta.” (Xh 19:5)

Đó là lý do vì sao dân Do Thái được gọi là dân riêng được tuyển chọn (chosen people) của Thiên Chúa. Thiên Chúa chọn họ chứ không phải họ tự ý chọn Ngài.

Nhưng dù là dân ưu tuyển, họ đã tõ ra bất trung, cứng lòng và bội ước biết bao lần qua dòng thời gian khiến Thiên Chúa đã nhiều lần phải quở trách và nỗi giận với họ:

“Suốt bốn mươi năm dòng giống này làm Ta chán ngán

Ta đã nói: đây là dân tâm hồn lầm lạc

Chúng nào biết đến đường lối của Ta

Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng:

Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta.” ( Tv 95: 10-11)

Lịch sử cứu độ bắt đầu với việc Thiên Chúa chọn dân Do Thái, và qua họ, đặc biệt qua Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã nói và mời gọi các dân tộc khác nhận biết Ngài cũng như nhận biết Chúa Kitô, tức Chúa Con, là Đấng Cứu Thế đã sinh ra từ một dòng tộc Do Thái. Nhưng người Do Thái, ngay từ đầu, đã không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai (Messiah) mà các ngôn sứ đã loan báo trong thời Cựu Ước:

“Người đã đến nhà mình

Nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” ( Ga 1:11)

Chính vì họ không nhìn nhận Chúa Giêsu từ đầu, nên họ đã phẫn nộ và ném đá Chúa khi nghe Người nhận mình là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa: “Ta và Chúa Cha là một” ( Ga 10:29).

Người Do Thái đã giải thích lý do họ ném đá Chúa Giêsu như sau: “Chúng tôi ném đá ông không phải vì một việc tốt đẹp, mà vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” ( Ga 10:33).

Cuối cùng , họ đã đóng đanh Chúa trên thập giá cũng chỉ vì họ không nhìn nhận Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trần gian trong thân phân Con Người, một sự kiện lịch sử mà Giáo Hội cử hành hàng năm với đại lễ Giáng Sinh để vui mừng nhắc lại hồng ân cứu độ của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại khỏi chết vì tội lỗi để được sống muôn đời nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.

Như thế, rõ ràng người Do Thái không tin và nhìn nhận Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế (Savior) cho đến nay như Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thông Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) tin chắc chắn. Nói khác đi, Giáo Hội Công Giáo cũng tin và thờ lậy một Thiên Chúa là Cha các Tổ phụ của người Do Thái, nhưng khác với người Do Thái ở điểm căn bản này: đây là Thiên Chúa Ba Ngôi (Holy Trinity) gồm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi riêng biệt nhưng cùng một bản thể (One Substance = One Being) một vinh quang (splendor) và uy quyền như nhau. (Kinh Tin Kính)

Nói rõ thêm, Giáo Hội Công Giáo tin và dạy rằng Chúa Con – tức Ngôi Hai Thiên Chúa – đã xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại qua khổ hình thập giá. Ngài chính là Đấng Messiah mà các ngôn sứ đã loan báo trong thời Cựu Ước.

Vì thế, tin và nhìn nhận Ngài là điều tối quan trọng cho phần rỗi của con người và cho được đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Người Do Thái, trái lại, hoàn toàn không chia sẻ niềm tin này, vì họ cũng không có ý niệm gì về một Thiên Chúa Ba Ngôi như Giáo Hội Công giáo và Chính Thống giáo tin.

Do đó, khi nói người Do Thái tin và nhìn nhận “Chúa”, thì danh xưng “Chúa” ở đây không có cùng một nội dung như người Công Giáo tin theo giáo lý Giáo Hội dạy. Nghĩa là, khi người Công giáo nói cầu xin Chúa hay tin Chúa, thì Chúa ở đây vừa có nghĩa là Thiên Chúa Ba Ngôi mà cũng có nghĩa là Chúa Giêsu-Kitô, Đấng mà người Do Thái không nhìn nhận và tin cho đến nay.

Đó là sự khác biệt về thần học và tín lý giữa Công Giáo và Do Thái Giáo quanh danh xưng “CHÚA” ( GOD).

Vậy không thể nói là dân Do Thái tin và nhìn nhận Chúa cách chung chung như người Công giáo được vì tính mơ hồ hay tối nghĩa (ambiguous) của danh xưng “Chúa” trong ngữ cảnh này.

Chúng ta hãy cầu xin cho anh em Do Thái sớm nhìn nhận Chúa Kitô và chia sẻ chung niềm tin với chúng ta về một Thiên Chúa Ba Ngôi, là Cha nhân lành đã thương tạo dựng và cứu chuộc nhân loại nhờ Chúa Cứu Thế Giêsu.



LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét